Dẫu biết họ về quê trong sự bất đắc dĩ nhưng hẳn họ không chỉ về quê để trốn dịch. Mà trước hết, họ muốn có một công việc để nuôi sống bản thân và gia đình.
Ở Quảng Trị, Công ty CP phát triển may mặc miền Trung (địa chỉ ở Khu công nghiệp tây bắc Hồ Xá, xã Vĩnh Chấp, H.Vĩnh Linh) là đơn vị tiên phong lên tiếng sẽ ưu tiên nhận những lao động từ các tỉnh miền Nam về quê trong kế hoạch tuyển dụng 700 lao động làm việc tại nhà máy. Công ty này cho biết chỉ cần nộp hồ sơ xin việc, người lao động được hỗ trợ ngay 500.000 đồng.
Ở quy mô nhỏ hơn, Công ty CP xây dựng Tuổi Trẻ Việt Nam (trụ sở ở TP.Đông Hà) cũng cho hay sẽ ưu tiên tuyển 40 lao động từ phía nam trở về ngay khi họ hoàn thành cách ly, với mức lương khá hấp dẫn: 6 - 8 triệu đồng/tháng (cho thợ phụ), 10 - 12 triệu đồng/tháng (cho thợ chính).
Trên diễn đàn Quốc hội sáng 27.7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng mục tiêu cuối cùng của chương trình “Nông thôn mới” là phải làm sao cho nông thôn trở thành nơi đáng sống, nơi người dân quay về. Ông Hoan cũng liên hệ với hình ảnh đoàn người rời thành thị về nông thôn tránh dịch để thấy “ý nghĩa của vùng nông thôn” lúc này.
Vậy nên những tổ chức doanh nghiệp dang rộng tay đón lực lượng lao động trở về là hành động vừa có tình vừa có lý. Và chính quyền địa phương, hãy có những chính sách hỗ trợ, có sự vận động phù hợp để tiếp thêm sức mạnh, cho các doanh nghiệp nắm được tay người lao động xa xứ trở về để cùng bước tiếp trong thời khắc khó khăn. Hoặc thậm chí, thúc đẩy người trở về khởi nghiệp ngay chính trên đồng đất quê hương mình. Để từ đó, kể cả khi dịch giã qua đi, họ vẫn sẽ sống được ở nơi này mà không phải dặm trường ly hương.