“Vàng thau lẫn lộn” thị trường thiết bị vệ sinh

Thiết bị vệ sinh gần như là mối quan tâm thiết yếu trong mỗi căn nhà. Hiện nay có nhiều mẫu mã, kiểu dáng cũng như các hãng sx thiết bị vs, không chỉ từ các thương hiệu nổi tiếng mà còn có sp không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trên thị trường đang có nhiều loại thiết bị vệ sinh do doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp liên doanh sản xuất và nguồn hàng nhập khẩu từ Nhật, Ý, Thái Lan, Hàn Quốc... Tuy nhiên, bên cạnh hàng chính hãng là vô số hàng nhái, giả, nhất là các loại phụ kiện và các thiết bị đi kèm. Người mua không rành rất dễ bị nhầm lẫn.

Rẻ hoá… đắt

Anh Lê Văn Sơn (quận 12, TP HCM) chia sẻ, vì muốn tiết kiệm chi phí hoàn thiện căn nhà mới xây, anh quyết định chọn mua một bộ thiết bị vệ sinh tầm trung tại cửa hàng bán lẻ gần nhà với giá chỉ hơn 5 triệu đồng. Thế nhưng, sử dụng không bao lâu, các thiết bị liên tục gặp tình trạng hỏng hóc. Bồn cầu, chậu rửa bị ố vàng, bong tróc lớp men bên ngoài, vòi xả nước thường bị rò rỉ…

“Lúc mua tôi chỉ nghe người bán giới thiệu là hàng nhập khẩu nước ngoài, được sản xuất theo công nghệ mới nhất, đúng dịp giảm giá của thương hiệu nên giá mới thấp như vậy mà không quan tâm đến vấn đề bảo hành. Đến khi gặp sự cố, liên hệ với cửa hàng thì bị từ chối. Cuối cùng tôi phải bỏ ra hơn chục triệu đồng để thay lại toàn bộ các thiết bị vệ sinh của một thương hiệu uy tín trong nước”, anh Sơn ngậm ngùi.

Ảnh 1: Thiết bị vệ sinh trôi nổi thường hay gặp tình trạng hư hỏng do độ bền kém. Ảnh: Minh họa

Ảnh 1: Thiết bị vệ sinh trôi nổi thường hay gặp tình trạng hư hỏng do độ bền kém. Ảnh: Minh họa

Anh Trần Hoàng Tuấn (quận 7, TP HCM) cũng cho hay, sau gần nửa năm kể từ ngày hoàn thiện công trình phụ, bộ nhấn xả nước ở bồn cầu trong phòng vệ sinh thường bị kẹt, sau đó là hỏng hoàn toàn. Các phụ kiện trong phòng tắm như vòi sen, chậu rửa mặt cũng gặp tình trạng vỡ nứt, xuống cấp và đặc biệt là tắc.

“Khi phát hiện những hiện tượng trên, gia đình tôi có gọi điện cho cửa hàng, đại diện cửa hàng cũng cho nhân viên tới để ghi nhận và gửi thông tin về hãng chờ kết quả xử lý. Nhưng đợi mãi không thấy phản hồi, gia đình tôi đành phải gọi thợ thi công đến tháo dỡ và lắp đặt một bộ thiết bị vệ sinh mới”, anh Tuấn nói.

Theo anh Nguyễn Phước Hải, chủ cửa hàng chuyên doanh thiết bị vệ sinh ở đường Lý Thường Kiệt, quận 10, TP HCM, khách hàng thường chọn mua hàng ngoại, ngoài vấn đề chất lượng, còn do vấn đề tâm lý. Chính quan điểm “sính ngoại” này, nên hàng nhái, hàng giả vẫn còn chỗ để tồn tại.

Chủ cửa hàng này cũng nói thêm, đi kèm với thiết bị vệ sinh: bồn cầu, chậu rửa… là các thiết bị không thể thiếu như vòi xả, vòi sen... Với các thiết bị này, nếu không phải là người am hiểu, thì khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái, bởi chúng giống nhau từ kiểu dáng, kích cỡ, nhãn mác đến lớp xi mạ bóng loáng.

Phần lớn hàng nhái, giả mang nhãn hiệu cao cấp không rõ nguồn gốc xuất xứ, còn hàng giá “bèo” thường có xuất xứ từ... Chợ Lớn. Loại hàng dỏm này rất nhanh hỏng, bởi các linh kiện bên trong đều được sản xuất từ vật liệu không đúng chủng loại. Chẳng hạn, cốt vòi nước thay vì bằng inox, thì được làm bằng nhựa cứng; van đóng - mở đúng kỹ thuật phải là gốm, thì được thay bằng nhựa giòn và các bánh răng giữa cốt cũng bị tình trạng tương tự, nên rất dễ gãy, vỡ hoặc khóa không chặt gây rò rỉ nước.

Cẩn trọng với thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc!

Theo các chuyên gia, việc để tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào thị trường đã ảnh hưởng lớn tới uy tín thương hiệu của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, quyền lợi của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi phát hiện các thiết bị vệ sinh giả trong gia đình, cần lập tức ngưng sử dụng và tiến hành thay thế ngay bằng các sản phẩm chính hãng để tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của thành viên trong nhà. Vì các sản phẩm làm giả thường chứa lượng lớn các kim loại nặng, có khả năng hòa tan vào trong nước, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Ảnh 2: Khách hàng nên đến các hệ thống phân phối chính hãng, các đại lý ủy quyền có quy mô lớn và uy tín để được tư vấn kỹ lưỡng và trải nghiệm sản phẩm thực tế

Ảnh 2: Khách hàng nên đến các hệ thống phân phối chính hãng, các đại lý ủy quyền có quy mô lớn và uy tín để được tư vấn kỹ lưỡng và trải nghiệm sản phẩm thực tế

Để tránh tình trạng này, người tiêu dùng nên tìm tới các hệ thống phân phối chính hãng, các đại lý ủy quyền có quy mô lớn và uy tín đã được khẳng định để mua. Đồng thời, khi mua sản phẩm phải hết sức chú ý đến các linh kiện được kèm theo xem có đồng bộ, đúng hãng sản xuất của các thiết bị vệ sinh mà mình đã mua không, tránh trường hợp “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Cần xác thực rõ xuất xứ thông qua tem kiểm định, mã định danh QR code và thông tin in trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt nên cẩn trọng với các mặt hàng có nhiều nhãn dán, bao bì thô sơ, không hình ảnh minh họa hoặc có nhưng thiếu tính hoàn thiện.

Ngoài ra, khi quyết định xuống tiền lựa chọn thiết bị vệ sinh, người mua hàng cần tìm hiểu và làm rõ minh bạch về thời gian, phương thức và địa chỉ bảo hành. Thông thường mỗi sản phẩm bán ra sẽ đi kèm phiếu bảo hành có thông tin cụ thể về thương hiệu, dấu đỏ doanh nghiệp, thông tin bảo hành, tên sản phẩm, thời gian và địa chỉ bán hàng và đơn vị bảo hành. Nếu gặp trường hợp mua hàng nhưng thời hạn bảo hành ngắn, không có sẵn thiết bị thay thế hoặc không có phiếu bảo hành, người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi mua để tránh mua phải hàng trôi nổi, kém chất lượng.

Theo VietnamDaily
back to top