Văn hóa khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường

Nhân dịp năm mới, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện về tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, khẳng định vai trò khai sáng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển đất nước.
bui-hoai-son-1-.jpg

Văn hóa là hồn cốt của dân tộc

Hội nghị Văn hóa Toàn quốc 2021 vừa qua được cho là một “Hội nghị Diên hồng” để triển khai tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Hồ Chủ tịch. Ông có thể cho biết rõ hơn về luận điểm này?

Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 là một hội nghị Diên hồng văn hóa lớn nhất từ trước tới nay. Tại hội nghị này, các văn nghệ sĩ, tổ chức văn hóa nghệ thuật đã có nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế cho sự phát triển văn hóa đất nước. Hội nghị là dịp để nhìn thẳng và nêu rõ những hạn chế, thách thức trong phát triển văn hóa, con người trong thời gian qua, nhằm phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn”. Từ văn hóa kháng chiến, cứu quốc tới văn hóa kiến quốc, tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã thực sự đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh cho dân tộc, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo điều kiện thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bằng văn hóa, từ văn hóa.

hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.jpg
Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021 là một "Hội nghị Diên hồng" văn hóa lớn nhất từ trước tới nay.

Chúng ta đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 với sự đồng lòng, đoàn kết của Chính phủ và người dân. Ông đánh giá thế nào về vai trò của văn hóa trong cuộc chiến chống Covid-19?

Trong giai đoạn vừa qua, dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến toàn nhân loại. Chúng ta test Covid-19 nhưng Covid-19 cũng test lại chúng ta. Chúng ta thấy rất nhiều những hình ảnh cho thấy sự đoàn kết, tình yêu thương chia sẻ của mọi người khi dịch bệnh diễn ra.

Đó chính là những hình ảnh, câu chuyện vô cùng xúc động truyền cảm hứng cho rất nhiều người làm thiện nguyện, chia sẻ những nỗi khó khăn. Điều đó cho thấy, mỗi khi đất nước đứng trước những biến cố thì văn hóa đều trở thành một động lực, một sức mạnh để chúng ta vượt qua khó khăn. Đối với người Việt Nam chính nhờ các giá trị văn hóa dân tộc mình nên chúng ta vượt qua dịch bệnh một cách nhẹ nhàng hơn, chúng ta có niềm tin vững chắc hơn.

Tuy nhiên, một số nhận định cho rằng, văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với vị thế của mình?

Đúng là như vậy! Chúng ta còn thiếu các tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới. Môi trường văn hóa chưa thực sự lành mạnh khi còn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Nhiều ứng xử phản cảm, lệch chuẩn còn diễn ra trong xã hội.

Sở dĩ có điều này vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Tư duy về phát triển và quản lý văn hóa chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn hóa. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới...

Phát triển văn hóa số là tất yếu

“Văn hóa số” được nhắc đi nhắc lại nhấn mạnh trong phát triển văn hóa. Có vẻ như văn hóa đang chủ động có một cuộc cách mạng mới để theo kịp thời cuộc?

Chúng ta đang nói nhiều đến xã hội số, nền kinh tế số và công dân số thì điều tất yếu sẽ là sự hình thành của văn hoá số. Cuộc Cách mạng công nghiệp hóa lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... đang đem lại những cơ hội và tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa.

Văn hóa số chính là các loại hình văn hóa nghệ thuật, những thói quen, giá trị, chuẩn mực, lối sống được hình thành từ/trong tác động của các phương tiện kỹ thuật số, đặc biệt là mạng internet và các phương tiện truyền thông mới. Các sáng tạo văn học, nghệ thuật trên không gian số ngày càng nở rộ. Từ điện ảnh, âm nhạc cho đến các xuất bản phẩm như báo, tạp chí, sách điện tử đang thay thế các ấn phẩm truyền thống.

Không gian số cũng sẽ làm thay đổi thị hiếu, thói quen sáng tạo, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân. Họ có thể tham quan các bảo tàng số hóa nhờ công nghệ thực tại ảo, xem triển lãm, thậm chí mua tác phẩm nghệ thuật qua mạng, nghe nhạc, xem phim hay biểu diễn nghệ thuật trực tuyến…

Văn hóa số là một hiện tượng tất yếu khách quan của bối cảnh xã hội với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Vì vậy, chúng ta phải chủ động trong việc xây dựng và phát triển văn hoá số, từ đó sẽ giúp cho chúng ta chủ động trong việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam hiện nay.

van-hoa-so.jpg
Đà Nẵng là thành phố tiên phong thực hiện văn hóa số.

Vậy cụ thể chúng ta sẽ xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập như thế nào thưa ông?

Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới rất quan trọng. Chúng ta có thể phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, tập trung vào giáo dục hay bất kỳ một lĩnh vực nào đó thì mục đích cuối cùng vẫn là con người cụ thể.

Trong các nghị quyết về văn hóa luôn luôn đặt việc tập trung xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng và để làm như vậy thì trong văn hóa ngoài hoạt động đa dạng như xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, từ đó tạo ra những con người có những phẩm chất tốt đẹp.

Chúng ta phải tập trung là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam. Hệ giá trị là định hướng lớn để noi theo, hướng sự phát triển của mình đến những định hướng lớn đó.

Với những mục tiêu đề ra, ông có dự báo gì về đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai?

Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL gửi tới UNESCO, năm 2019, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã là 3,61%, vượt chỉ tiêu là 3% vào năm 2020. Với quyết tâm của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII, cũng như quyết tâm của toàn ngành văn hóa tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng đến năm 2030, chỉ tiêu 7% đóng góp cho GDP là hoàn toàn khả thi, từ đó chứng minh vai trò của văn hóa trong việc phát triển kinh tế cho đất nước.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn sinh năm 1975, quê xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông tốt nghiệp Cử nhân Xã hội học và Học cao học Quản lý di sản và nghệ thuật tại trường Đại học Bắc London (University of North London), Vương quốc Anh. Ông nguyên là Viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Thành viên tổ tư vấn của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (từ 3/2020); Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo Đời sống
back to top