Ứng dụng công nghệ 4.0: Chìa khóa phát triển nông nghiệp bền vững

(khoahocdoisong.vn) - Nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rào cản về năng suất, chất lượng, đặc biệt là công nghệ truy xuất nguồn gốc để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Ứng dụng Big Data, AI và công nghệ điện tử sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững...

Phải chuyển đổi hệ thống canh tác hiện tại

Việt Nam hiện đang thực hiện 13 FTA, bao gồm hiệp định CPTPP và tiếp tục đàm phán các FTA mới, trong số đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019. Theo Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Khi EVFTA được thực thi, cơ hội rất lớn mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào thị trường EU (châu Âu), bởi hầu hết là thuế suất nhập khẩu vào EU bằng 0%.

Tuy nhiên, EU là một thị trường hàng đầu thế giới trong việc chống lại khai thác tài nguyên bất hợp pháp, khắt khe về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng cao. Vì vậy, muốn xuất khẩu nông sản vào EU, nông nghiệp Việt Nam phải hóa giải được những thách thức trên.

Theo ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành được nhiều lợi ích nhất từ EVFTA. Các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam cần kết hợp và giúp nhau phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam, với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và theo dõi, qua đó "mở khóa" toàn bộ tiềm năng của EVFTA.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khối ASEAN. Theo các chuyên gia, để nông sản Việt Nam tiếp cận và đi vào được thị trường châu Âu thì cần cùng lúc giải quyết được các yêu cầu về chất lượng, xuất xứ, thương hiệu, cải thiện chuỗi sản xuất, đẩy mạnh chuỗi giá trị, sản xuất bền vững tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn về lao động, môi trường...

Đây cũng chính là hướng đi để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, với đòi hỏi hệ thống sản xuất, chế biến, cung ứng phải thực sự năng suất, hiệu quả và bền vững. Điều này đòi hỏi một sự cấp thiết phải chuyển đổi hệ thống canh tác hiện tại.

Các giải pháp kỹ thuật số giúp nâng cao năng lực canh tác, tối ưu hóa phương pháp canh tác.

Các giải pháp kỹ thuật số giúp nâng cao năng lực canh tác, tối ưu hóa phương pháp canh tác.

Ông Kohei Sakata, Giám đốc Chiến lược Kỹ thuật số Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhánh Khoa học Cây trồng Tập đoàn Bayer cho biết, hoạt động nông nghiệp ngày càng tăng lên nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm. Vì vậy, tính bền vững cần được chú trọng. Ở Việt Nam, phần lớn nông dân là các nông hộ, diện tích đất canh tác hạn hẹp. Những giải pháp kỹ thuật số sẽ giúp nâng cao năng lực canh tác, tối ưu hóa phương pháp canh tác.

Theo ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB tại Việt Nam, thế giới đang trải qua thời kỳ đổi mới của công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu sắc đến cách con người chi phối xã hội, sản xuất hàng hóa, cũng như cách làm việc, sống và di chuyển. Nông nghiệp Việt Nam và ngành công nghiệp thực phẩm đang phải thay đổi mạnh mẽ để phát triển và đáp ứng sự đa dạng ngày càng tăng của nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là ở các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như châu Âu. Điều này có nghĩa nông dân Việt Nam phải giải quyết bài toán tăng sản lượng, cải thiện vệ sinh, chất lượng và đa dạng hóa, trong khi vẫn duy trì cam kết về an toàn, truy xuất nguồn gốc và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Số hóa sản xuất nông nghiệp

Ông Brian Hull cũng cho biết, trong nông nghiệp, các ứng dụng của AI (trí tuệ nhân tạo) tập trung phổ biến nhất vào bốn lĩnh vực chính. Đầu tiên là robot nông nghiệp đang được phát triển và lập trình để tự động xử lý các công việc thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm thu thập dữ liệu, xác định và phun diệt cỏ dại, tưới tiêu, thu hái và đóng gói... Công nghệ điều khiển robot sử dụng AI tiên tiến để cải thiện hiệu quả, giải quyết các thách thức đối với ngành nông nghiệp, như năng suất cây trồng, chất lượng đất và khả năng kháng thuốc diệt cỏ.

Ứng dụng rô bốt tự động hóa trong thu hoạch rau quả.

Ứng dụng rô bốt tự động hóa trong thu hoạch rau quả.

Tiếp đến là các ứng dụng AI tập trung vào việc giám sát cây trồng và đất. Công nghệ giám sát đất đai, môi trường và cây trồng cũng sẽ trở thành ứng dụng quan trọng trong tương lai. Phân tích dự đoán liên quan đến các mô hình điện toán đám mây và Internet Vạn Vật (IoT) giúp dự báo thời tiết, xác định thời điểm tốt nhất để trồng cây, bón phân, phun thuốc trừ sâu, tưới tiêu và thu hoạch, nhờ đó tối đa hóa lợi nhuận canh tác.

Ứng dụng AI tập trung vào “nông nghiệp chính xác”, giúp phát hiện sâu bệnh, thiếu hụt dinh dưỡng của cây trồng trên các cánh đồng. Thông tin về cây trồng, điều kiện đất đai, sâu bệnh và thời tiết sẽ được số hóa và quản lý. Nhờ đó, nông dân tiết kiệm chi phí sử dụng nước, phân bón và thuốc trừ sâu.

Việc tìm kiếm nhân công trong canh tác đang ngày càng trở nên khó khăn, vì vậy robot có thể giúp các doanh nghiệp nông nghiệp ứng phó với tình trạng thiếu lao động và tiết kiệm chi phí tuyển dụng cũng như chi phí nhân công. Để canh tác thông minh thì con người luôn là yếu tố thiết yếu, nhưng robot có thể đảm nhận một phần những công việc nặng, phải lặp lại nhiều lần. Nếu cần thiết, robot cũng có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, nghĩa là ngành trồng trọt trong nhà kính sẽ ổn định và đa dạng hơn.

Nhờ sự phát triển của các công nghệ, thu hoạch các sản phẩm tươi đúng thời điểm và đóng gói ngay lập tức là việc trong tầm tay. Bằng cách này, khoản đầu tư vào robot và cơ giới hóa trong canh tác sẽ nhanh chóng được hoàn vốn và người trồng sẽ tạo được giá trị lớn hơn từ các sản phẩm luôn tươi mới, đạt giá trị xuất khẩu cao.

Ông Brian Hull cũng cho biết, dữ liệu lớn (Big Data) cũng đóng vai trò quan trọng trong đổi mới và sáng tạo, bao gồm cả trong nông nghiệp và canh tác. Nông dân và người trồng trọt có thể tự do tập trung hoàn toàn vào các công việc chính của họ, trong khi phân tích dữ liệu giúp họ cân nhắc để đưa ra quyết định sáng suốt.

Người tiêu dùng đang đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng thực phẩm. Với sự trợ giúp của các giải pháp công nghệ, nông dân mới có thể theo dõi và truy xuất nguồn gốc, kịp thời thu hoạch, đảm bảo được chất lượng sản phẩm tươi sống cho giá trị xuất khẩu cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh cho biết, tầm nhìn mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển trên thế giới (riêng ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới). Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top