TV 8K sẽ bị “xoá sổ” hoàn toàn?

TV màn hình 8K có thể sẽ bị cấm bán ở các nước châu Âu khi quy định mới về Chỉ số hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Index - EEI) được chính thức áp dụng vào tháng 3/2023.

Theo FlatpanelsHD, nhãn dán năng lượng đã được Liên minh châu Âu (EU) cập nhật từ tháng 3/2021, khiến nhiều mẫu TV bị chuyển sang danh sách các thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp nhất (nhãn G). Tuy nhiên, đến tháng 3/2023, các yêu cầu sẽ còn khắt khe hơn khi lượng điện tiêu thụ tối đa của các dòng TV mới sẽ phải hạ thấp đáng kể.

Nhãn dán của EU đặt dấu chấm hết cho thị trường TV 8K

“Nếu quy định này được thực hiện, TV 8K sẽ bị xóa sổ hoàn toàn”, Marek Maciejewski, Giám đốc phát triển sản phẩm của TCL tại châu Âu, chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện của Samsung Electronics cho biết, họ sẽ cố gắng thay đổi dòng TV 8K của mình để đáp ứng theo đạo luật mới của EU nhưng quá trình này không hề dễ dàng. FlatpanelsHD đánh giá quy định nhãn dán của Liên minh châu Âu là tin xấu với thị trường TV 8K vì các nhà sản xuất phải cắt giảm các tính năng theo yêu cầu hoặc từ bỏ dòng sản phẩm này.

“Nếu không có gì thay đổi, năm 2023 sẽ là thời điểm khó khăn cho thị trường công nghệ màn hình 8K khi đạo luật mới của EU có hiệu lực”, 8K Association nhận định. Theo tổ chức này, giới hạn lượng điện tiêu thụ trên các dòng TV 8K quá thấp nên không có thiết bị nào có thể đạt tiêu chuẩn của Liên minh.

Theo FlatpanelsHD , TV màn hình OLED tiêu tốn nhiều điện năng hơn màn hình LCD trước đây. Do đó, các TV sử dụng công nghệ microLED như 8K không cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về giới hạn năng lượng tiêu thụ để bán được ở châu Âu. Nhưng đạo luật mới vào năm 2023 sẽ không còn “châm chước” cho công nghệ màn hình này.

“Chỉ số hiệu quả năng lượng (EEI) của các loại màn hình không được vượt quá EEI tối đa theo quy định”, EU cho biết. EEI tối đa sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng kích thước màn hình TV. Trong đó, TV màn hình 40 inch dù sử dụng công nghệ LCD, OLED hay microLED 4K, 8K, đều không được sử dụng quá 48 W điện. Còn màn hình 88 inch sẽ không được tiêu thụ nhiều hơn mức 178 W.

Theo FlatpanelsHD , giới hạn mức tiêu thụ điện năng trên TV của EU được đặt quá thấp so với dòng TV 4K và 8K hiện tại. Vì thế, các màn hình LCD hoặc OLED 4K thông thường có thể đáp ứng yêu cầu mà không cần thay đổi nhiều về công nghệ nhưng các loại màn hình cao cấp có khả năng thay đổi đèn nền (zone-dimming) sẽ gặp khó.

FlatpanelsHD cho biết EU sẽ xem xét lại nhãn dán năng lượng năm 2023 vào cuối năm nay nên có thể sẽ có một vài thay đổi về quy định trước khi được chính thức áp dụng.

Tại Việt Nam: TV 8K cả trăm triệu đồng

TV 8K được bán ồ ạt ở VN từ năm 2020. Samsung và LG làm dày phân khúc sản phẩm của mình bằng hàng loạt sản phẩm mới. Trên thị trường, tivi 8K đều hơn trăm triệu đồng, chỉ một số mẫu có giá dưới 100 triệu đồng, nhưng kích thước nhỏ - 55 inch hay 65 inch, đắt hơn 3 đến 4 lần các model 4K cùng cỡ. TV 8K còn hạn chế ở nội dung, nguồn phim 8K rất ít.

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả trên thế giới, các hãng truyền hình đang dừng lại ở công nghệ 4K. 8K còn đang trong kế hoạch thử nghiệm, vì vậy chưa có nhiều gia đình mua loại tivi này.

Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đã và đang được Bộ Công Thương triển khai với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.

Tính đến nay trên thị trường có 4 nhóm đối tượng áp dụng dán nhãn bao gồm: (1) Nhóm thiết bị gia dụng, (2) Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại, (3) Nhóm thiết bị công nghiệp, (4) Nhóm phương tiện giao thông vận tải. Nhóm thiết bị gia dụng gồm đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình...

Với việc dán nhãn năng lượng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp cho mình. Dù không cấm nhưng theo các chuyên gia, TV là thiết bị điện tử mà mọi người thường sử dụng vài năm và không thể nâng cấp phần cứng hàng năm. Vì thế, một chiếc TV giá trăm triệu đồng năm nay có thể nhanh chóng lỗi thời về công nghệ, phần mềm ngay năm sau, bởi thế TV 8K dù hiện đại nhưng để nó trở nên phổ biến cần phải phù hợp với điều kiện kinh tế và quy định tiết kiệm năng lượng của từng nước.

Tivi 8K là dòng tivi được trang bị về chất lượng hình ảnh siêu nét hơn với số điểm ảnh cao gấp 4 lần so tivi có độ phân giải 4K và cao gấp 16 lần so với tivi có độ phân giải Full HD.

Dòng tivi này sở hữu công nghệ Al nhằm phát huy khả năng tích hợp các điểm ảnh để tạo hình ảnh chân thực nhất. Cùng với đó là những công nghệ mới hiện đại như công nghệ tấm nền IPS phù hợp cho tivi thông minh hiện nay.

Theo Đời sống
back to top