Tuyển sinh CĐ-ĐH 2023: Thay đổi cách đăng ký xét tuyển nguyện vọng

Một số điểm thí sinh cần lưu ý trong mùa tuyển sinh đại học năm nay là thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký cả phương thức xét tuyển như năm 2022.

Thay đổi cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 sáng 3/3, PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, 2022 là năm lần đầu tiên thí sinh cả nước đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Thí sinh đăng ký ngành/trường đại học phải kèm theo mã phương thức xét tuyển tương ứng. Tuy nhiên, nhiều phương thức xét tuyển có tên gần giống nhau, khiến thí sinh nhầm lẫn, dẫn đến trượt đại học không đáng có.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh:VTCNewPGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT. Ảnh:VTCNew

Do đó, năm nay Bộ GD&ĐT đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, giảm tối đa nhầm lẫn.

PGS.Nguyễn Thu Thủy đánh giá việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức gây nhiễu thông tin, trong khi một số phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký. Ngoài ra, các phương thức xét tuyển chưa đảm bảo công bằng, theo bà Thủy.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển. Lấy đó làm căn cứ để loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Bộ cũng đề xuất việc nghiên cứu dùng điểm thi tốt nghiệp làm điều kiện sơ tuyển đầu vào đại học.

Lần đầu tiên quy định điểm ưu tiên mới có hiệu lực

Về việc xét tuyển sớm, theo PGS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh phải đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học tại cơ sở đào tạo và trên hệ thống, dẫn tới một số nhầm lẫn, sai sót của thí sinh.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh năm 2022 vẫn còn nhầm lẫn, sai sót của thí sinh về khu vực, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho rằng, các trường cần tăng cường hướng dẫn cho thí sinh, thầy cô cần nắm vững quy trình, quy chế của Bộ GD&ĐT, quy chế của trường, và quy chế tuyển sinh riêng. Cơ quan quản lý cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.

Cũng theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 nhưng có lưu ý: Năm 2023, lần đầu tiên quy định mới về điểm ưu tiên có hiệu lực.

Từ năm 2023, điểm ưu tiên với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên đã được quy định ở trên.

Theo Đời sống
back to top