Tưởng đau dạ dày nào ngờ tắc ruột vì ăn măng

Rất nhiều bệnh nhân phải cấp cứu vì tắc ruột do bã thức ăn trong dạ dày. Bệnh rất thường gặp nên cần biết cách phòng tránh và xử lý kịp thời.

1 tháng 2 người tắc ruột do ăn măng: nguy cơ tử vong cao

Khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận người bệnh Nguyễn Thị H (44 tuổi) tại Yên Lập, nhập viện trong tình trạng đau bụng suốt 10 ngày, chẩn đoán tắc ruột do khối bã thức ăn trong dạ dày. Đây là ca bệnh thứ 2 trong vòng 1 tháng mà nguyên nhân tắc ruột do ăn măng.

Trước đó, người bệnh thường xuyên ăn măng. Khi thấy bụng đau âm ỉ ở khu vực thượng vị, đau quặn theo cơn, cảm giác nóng rát nên nghĩ là bị đau dạ dày và tự mua thuốc uống. Sau 10 ngày, tình trạng không được cải thiện nên đến bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra. Tại đây, người bệnh mới vỡ lẽ mình không bị đau dạ dày mà có khối bã thức ăn trong dạ dày.

BS Hoàng Diệu Huyền, Khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ - người trực tiếp điều trị cho người bệnh chia sẻ: “Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, nội soi dạ dày, kết quả cho thấy bệnh nhân bị viêm dạ dày, khối bã thức ăn dạ dày. Bệnh nhân được chỉ định nhịn ăn, truyền dịch, dinh dưỡng tĩnh mạch, uống Cocacola 2 ngày liên tục, mỗi ngày 4,5 lít, giảm tiết dạ dày. Đến ngày thứ 3 soi lại khối bã thức ăn đã tan hoàn toàn.”

BS Huyền cũng cho biết: “Rất may trường hợp bệnh nhân H đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Tình trạng này nếu phát hiện muộn, không được điều trị sớm có nguy cơ gây nhiễm trùng , nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng rất cao, thậm chí gây tử vong.”

Sau gần 1 tuần điều trị tại Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, bệnh nhân đã được ra viện và kê thêm thuốc uống tại nhà.

Hình 1: Khối bã thức ăn dạ dày 2 x 3cm Hình 2: Khối biến mất hoàn toàn sau 2 ngàyHình 1: Khối bã thức ăn dạ dày 2 x 3cm Hình 2: Khối biến mất hoàn toàn sau 2 ngày

Tránh thức ăn gây tắc và cần phát hiện sớm

BS Hoàng Diệu Huyền cho biết, tắc ruột do khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ và người có bệnh nền về đường tiêu hóa. Việc sử dụng một lượng lớn thực phẩm có chứa nhiều chất tanin (quả hồng, quả ổi,…) hay chứa chất bã xơ như măng… là một trong những nguy cơ hình thành bã thức ăn trong quá trình tiêu hóa.

Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ acid dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Những triệu chứng thường gặp của khối bã thức ăn trong dạ dày là đau bụng thượng vị, trướng bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, đầy bụng sau ăn, bí trung đại tiện…

Vì vậy, khi gặp những dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời, tránh biến chứng tắc ruột đe dọa đến tính mạng.

\

Theo Đời sống
back to top