Từ vụ bé 2 tuổi bị sát hại: Làm thế nào khi con bị bắt cóc?
Hải Ninh
Từ vụ bé gái 2 tuổi bị bắt cóc, sát hại, dư luận quan tâm, nếu không may rơi vào trường hợp tương tự, cha mẹ nên làm gì, phối hợp với cơ quan chức năng ra sao?
chia sẻ
Khi con bị bắt cóc, đòi tiền chuộc, phụ huynh cần làm gì?
Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu cho biết, tâm lý của những kẻ phạm tội bắt cóc, đòi tiền chuộc, sau khi thực hiện hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất sợ bị phát hiện. Do đó, chúng luôn có sự cảnh giác, thận trọng khi giao dịch với gia đình nạn nhân. Nếu phát hiện sự việc đã được trình báo với công an, chúng sẽ có những hành động trả thù như làm hại tính mạng của con tin rồi bỏ trốn.
Vì vậy, nếu không may có con rơi vào trường hợp bị bắt cóc, cha mẹ nên bình tĩnh, trình báo với cơ quan công an một cách bí mật, tránh "rút dây động rừng". Đặc biệt lưu ý, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài sự chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Hình ảnh khi nghi phạm Trang thực hiện bắt cóc cháu bé.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, không ai muốn mình trở thành nạn nhân trong các vụ bắt cóc, không ai nghĩ rằng con mình sẽ bị các đối tượng bắt cóc để đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, các vụ bắt cóc trẻ em vẫn xảy ra, mới đây ít nhất đã có hai nạn nhân là trẻ em bị các đối tượng bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, tìm hiểu kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho các phụ huynh trong việc ứng xử khi tình huống con mình trở thành nạn nhân của một góc là việc là không thừa.
Thông thường khi nghe tin con mình bị bắt cóc, phụ huynh, đặc biệt là phụ nữ sẽ cảm thấy rất hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh và có thể dẫn đến những quyết định sai lầm, có thể gây lo lắng sợ hãi cho đối tượng gây án hoặc gây bức xúc phẫn nộ cho đối tượng dẫn đến đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.
Tâm lý chung của kẻ gian là sợ bị phát hiện, lo lắng bị bắt giữ, sợ hãi khi phải đối diện với pháp luật. Vì vậy, các đối tượng sẵn sàng sử dụng hung khí để chống trả khi bị phát hiện bắt giữ, dùng mọi biện pháp khả năng có thể để đe dọa nạn nhân, để trốn thoát, để tránh bị phát hiện, bắt giữ, xử lý...
Các đối tượng đã thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thường manh động, liều lĩnh, kèm theo bắt giữ là hành vi đe dọa sát hại nạn nhân để khiến người nhà nạn nhân sợ hãi phải đưa tiền theo yêu cầu. Đối tượng có thể thực hiện các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân để gây áp lực đối với người thân.
Do đó, nếu trong quá trình giao tiếp với đối tượng gây án mà gia đình nạn nhân mất bình tĩnh, có yếu tố thách thức hoặc gây kích động, đối tượng có thể thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể, đến tính mạng, sức khỏe của trẻ.
Trong một số trường hợp nạn nhân sợ hãi, la hét hoặc có hành vi chống đối nên đối tượng cũng có thể sát hại nạn nhân. Thậm chí, trường hợp đối tượng không đạt được mục đích cũng có thể dẫn đến trạng thái tâm lý bực tức mà xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ.
Ngoài ra, với tâm lý sợ bị phát hiện, sợ bị bắt giữ nên dù đã đạt được mục đích là chiếm đoạt được tài sản, đối tượng vẫn có thể thực hiện hành vi "giết người diệt khẩu". Chính vì vậy nạn nhân trong vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản luôn bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Người thân trong gia đình nạn nhân và lực lượng chức năng cần phải có những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho con tin.
Luật sư Cường đưa ra lời khuyên, nếu không may con bị bắt cóc, việc đầu tiên phải bình tĩnh, tỉnh táo để "câu lưu", bước đầu tạo ra sự yên tâm cho đối tượng gây án là chúng sẽ đạt được mục đích và an toàn để đảm bảo an toàn cho con.
Đồng thời, kéo dài thời gian đàm phán, thu thập các thông tin về đối tượng gây án và thông báo kịp thời sự việc cho cơ quan điều tra. Khi vụ việc được trình báo, cơ quan điều tra sẽ hướng dẫn phụ huynh thực hiện các thao tác, động tác, đưa ra những thỏa thuận hợp lý để kéo dài thời gian phát hiện, xử lý đối tượng, để cho đối tượng yên tâm mà không thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể của con tin.
Khu vực phát hiện thi thể cháu bé.
Tuyển người giúp việc phải lưu ý những điều gì?
Từ vụ việc người giúp việc bắt cóc, sát hại bé 21 tháng tuổi, luật sư Cường cho rằng, người giúp việc có thể tiếp xúc với các thành viên trong gia đình và biết rất rõ đời sống, tâm lý, tài sản của gia chủ. Nếu người giúp việc có ý định bắt cóc trẻ em là con chủ nhà sẽ rất thuận lợi, rất dễ thực hiện, bởi người giúp việc này đã quen với đứa trẻ, dễ dàng qua mặt được những người xung quanh.
Thực tế cho thấy, những vụ án hình sự xảy ra khi người giúp việc trộm cắp tài sản, bắt cóc trẻ em nhằm tống tiền đã và đang diễn ra ngày càng nhiều trong xã hội. Điều này cho thấy nguy cơ mất an toàn khi chủ nhà thuê phải giúp việc không có tâm, thiếu đạo đức, coi thường pháp luật.
Đa số người giúp việc có hành vi phạm pháp đều là những người mà chủ nhà không quen trước đó, qua người giới thiệu mới biết nhau, quan hệ lao động lỏng lẻo, không có hợp đồng cụ thể, không lưu hồ sơ về lý lịch của người giúp việc, thậm chí không rõ về nơi ở, quê quán của họ.
Bởi vậy, để giảm thiểu những nguy cơ về giúp việc thực hiện hành vi phạm tội đối với chủ nhà nên lựa chọn những người giúp việc là những người thân quen của chủ nhà, có thể là cùng quê hoặc những người đã biết rõ về nhân thân lai lịch, đạo đức của người giúp việc. Hoặc có thể lựa chọn giúp việc nhà từ các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín.
Cùng với đó, người giúp việc có dấu hiệu trầm cảm, mắc bệnh tâm thần không ổn định hoặc là người bị nợ nần, nhu cầu vật chất lớn cũng không thuê họ. Bởi những người như vậy có thể gây hại cho gia chủ bất kỳ lúc nào hoặc do khó khăn túng quẫn mà có thể làm điều, chiếm đoạt tài sản.
Nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang được xác định đã tự sát.
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cha mẹ nên có những kỹ năng khi tìm người chăm sóc con.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, đầu tiên phải xác định tiêu chuẩn cá nhân của gia đình với bảo mẫu, có thể bao gồm kinh nghiệm, trình độ học vấn, khả năng chăm sóc trẻ, và các yếu tố về sức khỏe và an ninh.
Thứ hai là cần tìm hiểu ứng viên, thậm chí quan tâm đến lý lịch chung, lý lịch tư pháp xem có những vấn đề nào trong lịch sử liên quan đến bạo lực với trẻ hay không. Cha mẹ cần có những buổi tiếp cận phỏng vấn trực tiếp để xem quan điểm, phương pháp, tình yêu thương và quan tâm tới trẻ, kiến thức về an toàn và tư duy giải quyết các vấn đề nguy cơ. Bên cạnh đó, cũng phải đặc biệt quan tâm đến lịch sử sức khỏe tâm thần của bảo mẫu.
PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, phụ huynh phải rà soát các điều khoản hợp đồng để bảo đảm có thể chấm dứt hợp đồng với bảo mẫu và tìm một người thay thế khi có bất cứ một mối nguy nào hiện hữu. Cha mẹ cũng cần thường xuyên nói chuyện, định kỳ kiểm tra bảo mẫu, xây dựng một hệ thống liên lạc và các nguồn để kiểm tra chéo thông tin liên quan đến mọi vấn đề lo ngại về việc chăm sóc trẻ.
“Cần chuẩn hóa thị trường bảo mẫu. Phải có các chương trình nâng cao năng lực cho họ, có chứng chỉ bảo mẫu mới được hành nghề. Các trung tâm cung cấp giới thiệu bảo mẫu phải chịu trách nhiệm về nhân sự, những người làm nghề bảo mẫu nhất định phải được đánh giá về tâm lý nhân cách để bảo đảm không có những người có nhân cách chống đối xã hội hoặc đang trong trạng thái bất ổn về mặt tinh thần được tiếp cận với trẻ”, ông Nam nói.
Tối 22/9, Công an TP Hà Nội xác nhận, thi thể phụ nữ được phát hiện tại khu vực sông Đuống chính là Giáp Thị Huyền Trang, nữ nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi. Kết luận trên được đưa ra khi cơ quan công an có kết quả giám định ADN.
Điều tra cho thấy, Giáp Thị Huyền Trang (SN 1996, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang) là người được gia đình thuê đón cháu N.H.T (SN 2021). Ngày 19/9, sau khi đón cháu T từ trường mầm non tại xã Đa Tốn, Trang sử dụng xe máy chở cháu T đi thẳng xuống địa phận tỉnh Hưng Yên. Khi di chuyển, Trang sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để gọi điện, nhắn tin cho gia đình cháu bé đòi tiền chuộc, sau đó tắt máy điện thoại.
Trên đường đi, cháu bé bị mệt, quấy khóc nhiều nên Trang sợ lộ, sẽ bị lực lượng Công an truy bắt. Do đó, đối tượng đã sát hại cháu bé để xoá dấu vết trước thời điểm gia đình bị hại đến cơ quan công an trình báo. Sau khi sát hại cháu bé, Trang tiếp tục đòi tiền chuộc, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Do lo sợ, nên gia đình cháu T đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Trang với tổng số tiền 550 triệu đồng.
Trên đường lẩn trốn, biết các lực lượng công an đang ráo riết truy lùng, truy bắt, không thể trốn thoát và sẽ phải đương đầu với mức án cao nhất, tối cùng ngày, Trang đã nhảy từ cầu Đuống xuống sông tự sát.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bất ngờ chân dung nghi phạm bắt cóc, sát hại bé gái ở Hà Nội
Công an Hà Nội đã khởi tố bị can C.V.H. với tội danh giết người. H. bị tình nghi đốt quán cà phê làm 11 người tử vong tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18/12.
Trong triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024, một lần nữa hệ thống tên lửa Scud-B, đây loại tên lửa đạn đạo mạnh nhất Đông Nam Á, được Quân đội Việt Nam trưng bày trước công chúng.
Lúc 7h sáng cùng ngày, chiếc phà chở khách chạy tuyến từ thôn Bình Trung (xã Tam Hải) đi thôn Xuân Mỹ (xã Tam Hải) đang lưu thông vượt sông Trường Giang (Quảng Nam). Đến gần bờ thì phà bị phá nước nên bị chìm.
Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ 3 đối tượng chuyên tổ chức hoạt động mại dâm tinh vi trong khách sạn để điều tra về các hành vi “Chứa mại dâm” và “Môi giới mại dâm”.
Lễ hội đón Giáng sinh – Chào Năm mới Đà Nẵng 2025 diễn ra trong 20 ngày (từ ngày 14/12/2024 đến ngày 2/1/2025). Ngoài không gian nổi bật, tiếng nhạc mừng Giáng sinh đã rộn ràng khắp nơi.
Xin bỏ qua lỗi vi phạm nhưng không được, Nguyễn Đình Toàn đã bỏ đi, sau đó quay lại mang theo chất bẩn hất về phía bàn làm việc của cảnh sát giao thông.