Lấy thêm mẫu xét nghiệm với shipper, lái xe, người bán hàng tại chợ, siêu thị
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 27/8/2021 về xét nghiệm sàng lọc diện rộng có trọng điểm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố. Kế hoạch xét nghiệm được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (27/8 - 30/8), xét nghiệm 80.000 người; giai đoạn 2 (31/8 - 4/9), xét nghiệm 120.000 người.
Riêng giai đoạn 2 lấy thêm mẫu xét nghiệm đối với các đối tượng nguy cơ cao: người giao hàng (shipper), người làm dịch vụ vận tải (lái xe các loại); người làm tại các công ty cung ứng hàng hóa, thực phẩm; người bán hàng tại chợ, siêu thị…
Kế hoạch cũng nêu rõ, thành phố ưu tiên sử dụng phương pháp RT-PCR để tránh bỏ sót nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc xác định các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Các địa phương chủ động thực hiện xét nghiệm test nhanh linh hoạt trong từng tình huống để sàng lọc nhanh nhất, tranh thủ từng phút, từng giờ trong hoạt động điều tra, truy vết.
Các đối tượng và hình thức xét nghiệm diện rộng có trọng điểm tại Hà Nội đến ngày 4/9 (Đồ họa: TTXVN)
Theo UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn còn xuất hiện những ca bệnh rải rác, tản mát trong cộng đồng, đặc biệt là các ca bệnh phát hiện qua sàng lọc ho, sốt; đã xuất hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh trong các chuỗi cung ứng, công sở, chợ, khu dân cư, khu chung cư... Bên cạnh đó, chủng virus biến thể Delta lây lan mạnh, chu kỳ lây ngắn (khoảng 2 ngày) nên còn những ca bệnh có thể còn lẩn khuất chưa phát hiện được...
Do đó, thành phố tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa "thời gian vàng" các ngày giãn cách xã hội để thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện các F0 tại cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị.
Trước đó, từ đầu tháng 8, Hà Nội đã triển khai 2 đợt xét nghiệm diện rộng với 1.126.042 mẫu tại 30 quận/huyện/thị xã, ghi nhận 83 trường hợp dương tính virus SARS- CoV-2.
Số ca dương tính hầu hết ở các quận, huyện trọng điểm, khu vực dịch diễn biến phức tạp. Cụ thể: Đống Đa (48 ca), Hoàng Mai (14 ca), Hoài Đức (6 ca), Hà Đông (6 ca), Hoàn Kiếm (4 ca), Thanh Trì (3 ca), Hai Bà Trưng (1 ca), Thanh Oai (1 ca). Các trường hợp dương tính của 2 đợt theo khu vực là: khu vực nguy cơ cao (69 ca), khu vực phong tỏa (11 ca) và đối tượng nguy cơ cao (3 ca), cho thấy dịch vẫn tập trung tại các quận trọng điểm, các ổ dịch đã được phát hiện.
Nguyên nhân là do giao lưu F0 xâm nhập vào; phần lớn tập trung ở khu chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều như chợ, siêu thị, khu tập thể cũ; lây nhiễm trong khu phong tỏa với mật độ dân cư cao, quản lý phong tỏa không chặt, vẫn có sự giao lưu; lây chéo trong khu cách ly, lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng...
Do có nhiều ca mắc COVID-19, các hộ xung quanh ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi đều bị phong tỏa để đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh: TTXVN.
Triệt để khắc phục sơ hở, tập trung chặn dịch từ "gốc"
Ngày 30/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thủ đô vẫn còn không ít sơ hở, nhất là trong thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Phải triệt để khắc phục sơ hở, tập trung chặn dịch từ 'gốc' mới có thể đưa Hà Nội về trạng thái an toàn". Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền cần sự chung tay, chung sức và ý thức cao của cộng đồng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá đợt bùng phát dịch lần này phức tạp hơn rất nhiều các đợt trước do sự xuất hiện của chủng mới và tiếp tục biến đổi, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Nguy cơ phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng còn lớn. Những ca bệnh, chùm ca bệnh mới phát sinh những ngày gần đây cho thấy còn không ít sơ hở trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội.
Một số chùm ca bệnh mới tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai); trước đó là tại phường Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa), xã Liên Ninh, Đại Áng (huyện Thanh Trì) hay khu chung cư HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho thấy nguy cơ phát sinh các chùm ca bệnh mới rất cao ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau. Điều này cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc. Đáng lo ngại là ngay cả các khu vực đã được phong tỏa, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Các ca dương tính với SARS-CoV-2 còn được phát hiện tại các khu chợ dân sinh, siêu thị, mới đây nhất là chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình). Lái xe “luồng xanh”, lái xe cấp cứu 115 cũng đã ghi nhận trường hợp dương tính, cảnh báo một kiểu xâm nhập dịch bệnh vào cộng đồng rất khó lường. Các ca bệnh còn được phát hiện ở trường hợp F0, F1 sau khi điều trị, cách ly tập trung được cho về nhà...
Lực lượng chức năng lập hành rào phân luồng phương tiện, kiểm soát chặt người và phương tiện khi ra đường. Ảnh: TTXVN.
Trước tình hình dịch diễn biến rất phức tạp, khó khăn trong phòng, chống dịch, trong thời gian thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trên toàn thành phố phải chủ động lên kế hoạch đánh giá các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ tạm... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động; tổ chức kiểm soát dịch chặt chẽ từ "gốc" tới từng ngõ, ngách, từng hộ gia đình.
Nhấn mạnh yêu cầu bằng mọi giải pháp giảm số người ra đường, bảo đảm yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo cấp ủy các cấp ở quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, làm chặt chẽ hơn việc quản lý người ra đường; học tập các mô hình đang được tổ chức hiệu quả tại quận Hai Bà Trưng; trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phương án sản xuất an toàn, cấp và sử dụng giấy đi đường...
Hai kịch bản xét nghiệm sau ngày 6/9
Sau ngày 6/9, ngoài việc thực hiện công tác xét nghiệm thường quy theo dịch tễ, tăng cường hoạt động xét nghiệm mở rộng và có trọng tâm, trọng điểm theo đối tượng nguy cơ và theo địa bàn; tùy theo tình hình diễn biến dịch trên địa bàn, thành phố dự kiến xây dựng 2 kịch bản xét nghiệm.
Kịch bản 1: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận, huyện, thị xã đã có nguy cơ cao từ trước, với các ca mắc tăng cao, phải thực hiện phong tỏa.
Dựa vào kết quả xét nghiệm của đợt cao điểm từ 27/8 - 4/9 dự kiến ghi nhận tỉ lệ dương tính nguyên phát dưới 1% tổng số mẫu xét nghiệm (tương đương 2.000 ca bệnh), trong đó xuất hiện các chuỗi lây nhiễm với số mắc lớn, tập trung khu trú tại một số địa phương khu vực nội thành, vòng lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp Fl, các trường hợp liên quan trong khu vực dân cư sinh sống và rải rác rất ít các ca bệnh ngoại thành.
Thành phố Hà Nội sẽ dự kiến lấy 800.000 mẫu tại khu vực nguy cơ cao ở 12 quận, huyện (Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín), khu vực nguy cơ: tại các quận, huyện còn lại.
Phương thức thực hiện là lấy mẫu theo hình thức cuốn chiếu theo hộ gia đình, theo khu vực các nhà trọ, công sở, nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Mục tiêu nhằm đánh giá dịch tễ, bóc tách kịp thời các trường hợp F0 khỏi cộng đồng đế thực hiện cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế khi tiến hành phong tỏa toàn bộ một số quận nội thành và một số khu vực tại các huyện ngoại thành.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường Thổ Quan, quận Đống Đa (ảnh chụp ngày 29/8). Ảnh: TTXVN.
Kịch bản 2: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận nội thành và một số khu vực của các huyện ngoại thành với các ca mắc lớn, phải thực hiện phong tỏa toàn thành phố.
Theo đó, dựa vào kết quả xét nghiệm của đợt cao điểm từ 27/8 - 4/9 ghi nhận tỉ lệ dương tính nguyên phát lớn hơn 1% tống số mẫu xét nghiệm (tương đương > 2.000 ca bệnh), trong đó xuất hiện các chuỗi lây nhiễm với số mắc lớn tại nhiều quận, huyện, thị xã; kết quả điều tra dịch tễ, xét nghiệm sau đó ghi nhận việc lây lan đã không khu trú ở một nhóm người nhất định, có xu hướng lây lan rộng rãi dẫn tới việc giãn cách khu trú một vài điểm không còn hiệu quả, phải tiếp tục giãn cách toàn thành phố để đảm bảo phòng, chống dịch.
Dự kiến, thành phố sẽ lấy 1,5 triệu mẫu xét nghiệm tại khu vực nguy cơ cao tại 12 quận (Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ); khu vực nguy cơ tại các huyện, thị xã; đối tượng nguy cơ như người hay di chuyển nhiều, người làm nhiệm vụ tại các chuỗi cung ứng; người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác.
Thời gian thực hiện trong 7 ngày. Việc lấy mẫu được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu theo hộ gia đình, theo khu vực các nhà trọ, công sở, nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Mục tiêu là khẩn trương, kịp thời đánh giá dịch tễ, bóc tách các trường hợp F0 khỏi cộng đồng đế thực hiện cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế khi tiến hành phong tỏa toàn thành phố.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 30/8, thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 23 ca dương tính, trong đó 5 ca tại cộng đồng và 18 ca đã được cách ly. Các ca mắc mới phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (17), Đống Đa (2), Hoàng Mai (1), Hai Bà Trưng (1), Phú Xuyên (1), Thanh Oai (1); phân bố theo chùm ca bệnh: chùm sang lọc ho sốt (2), chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (21).
Tính từ 6h đến 12h ngày 30/8, thành phố tiếp tục ghi nhận 45 ca mắc mới, tất cả đều đã được cách ly. Số ca mắc mới phân bố theo quận/huyện: Thanh Xuân (32), Hai Bà Trưng (7), Đông Anh (3), Hoàng Mai (1), Đống Đa (1), Hoài Đức (1); phân bố theo chùm ca bệnh: chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng (44); chùm liên quan TP Hồ Chí Minh (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 3.159 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.539 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.620 ca.