20h ngày 30/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giải đáp thắc mắc của người dân trên sóng trực tiếp (livestream) chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời". Buổi livestream diễn ra vài giờ trước khi TP.HCM bước sang ngày 1/10, thời điểm thành phố bước vào lộ trình bình thường mới, mở cửa từng bước.
Ông Võ Văn Hoan cho biết thực chất, trong chỉ thị mới, TP.HCM đã mở rất nhiều và cũng muốn mở tất cả lĩnh vực nhưng phải từng bước. TP.HCM phải chọn lĩnh vực ưu tiên, ngành ưu tiên và doanh nghiệp ưu tiên để mở cửa.
Xét trên nhu cầu của một người, ông Hoan cho biết nhu cầu đầu tiên là về việc làm, nên TP phải mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thứ 2 là nhu cầu ăn uống, TP cũng mở rộng các hoạt động dịch vụ ăn uống nhưng có giới hạn, chưa cho phục vụ tại chỗ. Thứ 3 là nhu cầu vui chơi, giải trí, chỉ thị mới có nội dung tổ chức lễ hội, sự kiến nhưng khống chế sự kiện trong nhà, ngoài trời và người dân phải đủ 2 mũi vaccine. Những nhu cầu hiện nay chưa cần thiết thì tạm thời chưa hoạt động trở lại.
Về việc đi học của học sinh, ông Hoan cho biết định hướng TP là chỉ tập trung vào học trực tuyến giai đoạn này.
TP.HCM ban hành Chỉ thị 18
Mở đầu buổi livestream, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết lựa chọn nới lỏng hay giãn cách vẫn là nỗi băn khoăn, trăn trở và đắn đo của UBND TP.HCM.
Theo ông Hoan, thành phố trải qua 4 tháng giãn cách xã hội, người dân và chính quyền dốc toàn lực để chống đại dịch. TP cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương về lực lượng y bác sĩ, máy móc, thiết bị y tế. Cùng với đó, là sự chung sức, đồng lòng của người dân và chính quyền thành phố, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nhất.
TP.HCM mở cửa từng bước, nới lỏng đến đâu, an toàn đến đó.
Ông Võ Văn Hoan
Để không xảy ra tình trạng nới lỏng được một thời gian ngắn mà phải đóng cửa trở lại, ông Hoan cho biết thành phố cố gắng từng bước mở cửa, đi vững chắc, chặt chẽ.
“Nếu không có sự góp sức của người dân và doanh nghiệp, thành phố sẽ khó có thể đạt được những kết quả như thời gian qua. Thành phố đang đứng trước sự lựa chọn phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Đây là 2 mặt trận mà thành phố phải đối mặt”, ông Hoan nói.
Nói rõ hơn, ông Hoan cho rằng cả 2 mặt trận này quan trọng, có mối liên hệ hỗ trợ lẫn nhau. Khi thành phố chống dịch có hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu tử vong sẽ tạo ra nguồn lực tác động sự phát triển nền kinh tế.
Nhiều xe máy, ôtô nối đuôi nhau trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) chiều 30/9. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Để làm được điều đó, ông Hoan cho biết thành phố phải thực hiện một chỉ thị mới. “Chỉ thị 18 được ban hành ra để thực hiện việc này”. Ông Hoan chia sẻ.
Theo ông Hoan, thành phố sẽ vẫn chống dịch linh hoạt nhưng vẫn giải quyết việc phát triển kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm.
Một là thành phố phải sống thích ứng, an toàn trong môi trường có dịch và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, lao động.
Thứ 2, người dân là chủ thể của phòng chống dịch. Nếu không có sự góp sức của người dân, thành phố khó chống dịch thành công.
Thứ 3, vai trò của các thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều được đề cao. Doanh nghiệp nếu được sản xuất phải đảm bảo được các điều kiện an toàn. Thành phố có nhiều cách hỗ trợ cho doanh nghiệp; tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp phải cùng cộng đồng có trách nhiệm, bảo vệ thành trì của mình.
Về nỗi lo lắng thành phố áp dụng giãn cách xã hộ trở lại, ông Hoan khẳng định thành phố sẽ không để tình trạng đó xảy ra. “TP.HCM cố gắng mở cửa từng bước, an toàn, 'nới lỏng đến đâu, an toàn đến đó'. Không thể phòng chống dịch đi trước, sản xuất kinh tế đi sau hay ngược lại”, ông Hoan nói thêm.
Nhiều câu hỏi được gửi đến chương trình "Dân hỏi – Thành phố trả lời" có cùng thắc mắc từ 1/10, người dân ra đường cần mang loại giấy tờ nào để tránh bị phạt.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho hay người dân chỉ cần mang theo điện thoại thông minh đã đăng ký khai báo di biến động, thông qua app VNEID của Bộ Công An. Ngoài ra, người dân cần xuất trình thêm chứng nhận đã tiêm ngừa vaccine (1 mũi đủ 14 ngày hoặc đủ 2 mũi).
Ông Hoan cho biết từ 1/10, toàn bộ người dân được đi lại trong thành phố; tuy nhiên, sẽ có sự kiểm soát khác bằng hình thức tuần tra lưu động, kiểm tra ngẫu nhiên. Người dân ra đường nhưng không có việc cần thiết, với lý do không chính đáng vẫn bị xử phạt.
Dùng xe buýt liên tỉnh đưa người dân trở về
MC Quyền Linh đặt vấn đề người dân bày tỏ mong muốn được rời TP.HCM, về quê vì không thể tiếp tục cầm cự.
Ông Võ Văn Hoan chia sẻ sau nới lỏng giãn cách, mong muốn về quê là tâm trạng phổ biến của người xa nhà thời gian dài. Lãnh đạo TP chia sẻ với người dân mong muốn này.
“Nói không cho về không được, nhưng phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Hoan nói.
Phó chủ tịch TP.HCM chỉ ra 3 nguy cơ. Thứ nhất, người về có nguy cơ gây ra dịch bệnh tại địa phương và có thể gây quá tải hệ thống y tế địa phương, nếu nhiễm bệnh thì việc điều trị cũng khó khăn.
Nới lỏng giãn cách, mong muốn về quê là tâm trạng phổ biến của người xa nhà thời gian dài.
Ông Võ Văn Hoan
Thứ hai, TP khuyến khích người dân ở lại vì cần người lao động. TP đã nới lỏng giãn cách để tổ chức sản xuất kinh doanh, giúp người dân có việc làm, thu nhập. Thứ ba, ông cho rằng người dân cố gắng ở lại làm việc tới Tết rồi về thì sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, ông Hoan cho biết có những trường hợp cần kiến nghị. Ví dụ, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em đến TP.HCM nghỉ hè cần phải về đi học.
Nếu phải về, TP và các tỉnh sẽ phối hợp đưa người dân về. Ví dụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, F0 khỏi bệnh, người tiêm đủ liều vaccine, TP sẽ kiến nghị để Thủ tướng xem xét chỉ đạo địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê.
“Với những trường hợp này, nếu thật sự bức bách có thể xem xét giải quyết từng trường hợp. TP chưa xác định được số lượng nhưng cụ thể 1-2 trường hợp bức bách thì có thể xem xét phối hợp xử lý ngay. Còn các trường hợp khác sẽ phải đăng ký, tổng hợp danh sách, phối hợp để cách ly, xem xét năng lực chịu đựng của địa phương và đưa người dân về”, ông Hoan nói.
Buổi livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 30/9. Ảnh: HMC. |
Thời gian qua, TP.HCM đã tổ chức đưa gần 35.000 trường hợp về các tỉnh, thành bằng máy bay, tàu lửa…”Quan trọng là các hội đoàn quy tụ được, phối hợp với nhau thì rất dễ”, ông Hoan nói.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động TP đã về tỉnh, thành khác thì các doanh nghiệp TP sẽ thông tin để người lao động biết. Trên nền tảng đó, doanh nghiệp cùng chính quyền TP sẽ tổ chức xe đưa đón. Phương thức là doanh nghiệp tập hợp lực lượng, xác định địa điểm thì TP sẽ cùng doanh nghiệp đưa xe xuống đón lên. TP đang tổ chức xe buýt liên tỉnh để đưa đón người dân về TP.HCM.
Ngoài ra, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 4 địa phương được xác định là khu vực tâm điểm của dịch ở phía nam, vừa được Thủ tướng ra công điện yêu cầu người dân không ra khỏi địa bàn. Đây được xem là một cụm tâm dịch và cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp của Đông Nam Bộ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của TP cũng liên kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh khác.
TP.HCM sẽ phối hợp với các địa phương này để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc bình thường nhưng trên cơ sở là đã tiêm vaccine và đăng ký đi đường (giống trên app VNEID). Chính sách này được áp dụng cho những người lao động đi bằng xe 2 bánh.
7,3 triệu người sẽ được hỗ trợ trong gói thứ 3
MC Quyền Linh cho biết nhiều người dân phản ánh chưa nhận được tiền từ các gói hỗ trợ.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nói nhiều hoàn cảnh khó khăn xuất hiện sau khi có chủ trương, chính sách. Mỗi chính sách hướng tới một nhóm đối tượng. Tuy nhiên, giãn cách kéo dài làm phát sinh những trường hợp khó khăn mới. Trong gói hỗ trợ thứ 3, TP sẽ rà soát và hỗ trợ các trường hợp này.
Đại diện TP sẽ gặp dân, chi tiền mặt và thẩm định danh sách rồi cập nhật ngay lên hệ thống.
Ông Võ Văn Hoan
Về việc gói hỗ trợ thứ 3 được trả qua ứng dụng (app). Người dân băn khoăn việc chuyển tiền qua app có thể bị sót, mất thời gian duyệt và chi trả.
Ông Hoan cho hay khối lượng công việc của gói hỗ trợ đợt 3 gấp 2,5 lần 2 gói trước. Gói này tới 7,3 triệu người và có thể hơn. Với khối lượng này, để đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp nhưng vẫn trọn vẹn, TP đã có chỉ đạo bài bản và kỹ lưỡng.
Thứ nhất, toàn bộ danh sách đã được rà soát trước.
Thứ hai, địa phương tiếp tục rà soát từng khu phố, tổ dân phố, thành lập nhóm rà soát, có hội đồng xét duyệt cơ sở và tiếp tục được xét duyệt lại bởi hội đồng cấp quận. Sau đó, danh sách sẽ được chuyển lên hệ thống an sinh để chi trả.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay có hơn 7,3 triệu người được nhận tiền từ gói hỗ trợ thứ 3. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Về việc chi trả qua app, ông Hoan cho biết lúc đầu, TP tính toán để mỗi người trong diện này trực tiếp điều chỉnh đúng tất cả chi tiết trên app để nhận tiền. “Nhưng khi nghĩ lại thì còn rất nhiều khâu kỹ thuật, nếu không kiểm soát được thì hệ thống sẽ bị thay đổi rất nhiều”, ông Hoan nói.
Do đó, thay vì để 7,3 triệu người cùng tạo danh sách và có thể hoàn thành trong một ngày thì thành phố quyết định để tất cả cán bộ địa phương phải tự làm. Đến giờ này, 22 quận, huyện, TP đã đưa danh sách lên hệ thống. Một số phường còn dở dang thì UBND TP.HCM cũng yêu cầu duyệt được bao nhiêu đưa lên bấy nhiêu.
Qua app này, TP có thể trực tiếp theo dõi tiến độ cấp hỗ trợ của từng tổ dân phố, phường, xã, quận, huyện.
“TP sẽ xuống gặp dân, chi tiền mặt và thẩm định danh sách rồi cập nhật ngay lên hệ thống. Với trường hợp còn thiếu, chưa có trong danh sách đã duyệt thì TP hướng dẫn chính quyền địa phương có danh sách riêng để ai thiếu thì xem xét để cập nhật”, ông Hoan nói.
TP dự kiến chi trả gói hỗ trợ thứ 3 trong 15 ngày (1-15/10). “Quan điểm của TP là càng nhanh càng tốt vì bà con đang khó khăn. Còn thời gian kéo dài để giải quyết các vấn đề phát sinh. Nguồn tiền hiện đã sẵn sàng, chỉ cần chi trả cho người dân”, Phó chủ tịch cho biết.