TS.Nguyễn Tùng Lâm: Thông tư 29 chưa giải quyết được “gốc” của dạy thêm, học thêm

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định, Thông tư 29 đã hướng tới một nền giáo dục không dạy thêm, học thêm là rất nhân văn. Tuy nhiên, chưa thể giải quyết được căn cốt, “gốc” của vấn đề.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT ban hành tiếp tục gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, phải thừa nhận, thực tế, việc dạy thêm học thêm đã có những biến tướng, gây không ít bức xúc cho xã hội. Việc hướng tới một nền giáo dục không có dạy thêm, học thêm là rất nhân văn. Thông tư 29 cũng đã đưa ra những nguyên tắc đúng đắn.

Tuy nhiên, Thông tư 29 chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay.

Nguyên nhân đầu tiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, là do hệ thống giáo dục hiện tại vẫn chú trọng vào thi cử và điểm số, chưa thực sự tập trung vào việc phát triển phẩm chất, năng lực và khả năng sáng tạo của từng học sinh. Mặc dù chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai với mục tiêu giảm truyền thụ kiến thức một chiều và thay đổi phương pháp giảng dạy, nhưng thực tế cho thấy nhiều trường học, phụ huynh và học sinh vẫn chạy đua theo điểm số, thi cử và các chứng chỉ.

Thứ hai, chất lượng giữa các trường học hiện nay không đồng đều, từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng dạy. Điều này dẫn đến việc phụ huynh có xu hướng chọn trường tốt cho con, tạo ra áp lực cho học sinh trong việc đạt điểm cao để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh. Từ đó, dẫn đến việc học sinh phải chạy đua đi học thêm.

“Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương cần có chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường trên cơ sở đảm bảo tự chủ, nhân văn và sáng tạo. Các trường cần được trao quyền tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và hướng tới hội nhập giáo dục”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cuối cùng, TS Lâm cho rằng giáo viên cần được đảm bảo mức lương đủ sống và yên tâm với nghề, tránh tình trạng phải dạy thêm để tăng thu nhập. Thực tế cho thấy, do thu nhập chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, một số giáo viên có xu hướng ra đề kiểm tra khó, đánh đố học sinh, không phù hợp với kiến thức phổ thông. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi hay học sinh yếu kém, nhà trường cũng cần có quỹ trả cho giáo viên, chứ không thể dạy miễn phí.

TS Lâm cũng đề xuất Bộ GD&ĐT nên hạn chế các kỳ thi học sinh giỏi, vì chúng không thực sự giúp học sinh sáng tạo hay có những ý tưởng thiết thực trong cuộc sống. Thay vào đó, nên tập trung vào việc giáo dục giúp học sinh phát triển kỹ năng và tư duy sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

“Theo tôi, cần giải quyết được tận gốc những vấn đề trên, chứ không phải cấm giáo viên dạy thêm học sinh của chính mình, nhưng lại vẫn cho phép học thêm, dạy thêm ờ ngoài nhà trường, là điều vô lý. Đặc biệt, khi học sinh chưa thực sự được tập trung vào việc phát triển phẩm chất, năng lực và khả năng sáng tạo của mình, vẫn phải chạy theo thành tích, điểm số, thì vẫn phải đi học thêm”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Theo VietnamDaily
back to top