Khi mang thai được hơn 1 tháng, thai phụ M.T. (Hà Nội) đã bị bong rau, 3 tháng sau tiếp tục kiểm tra thì được phát hiện thai nhi bị thiểu ối.
TS. BSCKI. Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, khi thai phụ M.T tới khám, thai nhi ở tuần thứ 18, nặng 200g nhưng nước ối bị cạn sạch. Các bác sĩ đã quyết định truyền ối cho thai phụ và theo dõi tới khi tình trạng sức khỏe ổn định mới cho xuất viện.
Sau đó, chị T. được khám và siêu âm mỗi tuần, em bé tăng cân đều. Nhưng sau 20 ngày, nước ối lại cạn, chị T. được chỉ định truyền ối lần 2. Tuy nhiên, 10 ngày sau tới kiểm tra, thai nhi lại được phát hiện cạn ối, thai phụ tiếp tục truyền ối lần 3. Chỉ 7 ngày sau khám lại, tình trạng cạn ối lại tái diễn.
Theo TS. BSCKI Nguyễn Thị Sim, do tử cung của người mẹ nuôi dưỡng thai kém, giống như chiếc túi thấm hút nên truyền nước ối đến đâu bị cạn đến đó. Lần thứ 4, thai phụ lại được truyền ối và tiêm trưởng thành thai.
Khi thai nhi ở tuần 28, chị T. được chỉ định nhập viện mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho thai nhi, tránh tình trạng suy thai. Vì sinh non tháng, bé cân nặng có 1100g, sức khỏe yếu và xuất hiện nhiều bệnh lý nên được tiếp tục chăm sóc và điều trị tại khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Sau 1,5 tháng chăm sóc và điều trị tại khoa, bé đã nặng 2000g và hoàn toàn khỏe mạnh, được xuất viện. Theo hướng dẫn của các bác sĩ, gia đình tiếp tục chăm sóc và theo dõi.
Sau nửa tháng về nhà tới kiểm tra sau sinh, bé đã tăng lên 2500g, các chỉ số phát triển đều ổn định.