Trung Quốc xây đập thủy điện mới tại Lào, đồng bằng sông Cửu Long thêm... khát

(khoahocdoisong.vn) - Lào đã trình lên Ủy hội sông Mê Kông (MRC) kế hoạch xây dựng đập thủy điện thứ 6 của nước này. Dự kiến việc xây dựng sẽ được khởi công vào cuối năm 2020.

Theo MRC, nhà máy thủy điện Sanakham, với chi phí ước tính 2,073 tỷ USD, được xây dựng bởi công ty thủy điện Datang Sanakham, một công ty con của Công ty sản xuất điện quốc tế Datang của Trung Quốc. Sanakham là dự án thủy điện thứ 6 của Lào, nằm giữa tỉnh Xayaburi và thủ đô Vientianne. Nhà máy phát điện có 12 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 57MW, dự kiến sẽ sản xuất 684 megawatt điện sau khi vận hành vào năm 2028, chủ yếu là bán điện cho Thái Lan.

Trung Quốc là quốc gia đã tài trợ cho nhiều dự án thủy điện tại Lào. Trong khi, tác động của 11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mê kông từ lâu nay luôn là vấn đề tranh luận, và bị cáo buộc làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông, giảm thiểu tác động cho hạ lưu, khiến nước mặn sẽ lấn sâu vào đất liền của Việt Nam.

Năm 2019, Lào đã hoàn thành 2 đập thủy điện trên sông Mê Kông. Đó là đập Xayaburi có công suất phát điện 1.285MW, và đập Don Sahong 260MW, bất chấp sự phản đối của các các nhà hoạt động môi trường và chính phủ Campuchia và Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những công trình đặt trên sông Mê Kông là mối đe dọa tới hệ thống sông, làm giảm trầm tích, tăng nguy cơ hạn hán cũng như lũ lụt theo mùa cho nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân sống bằng nghề đánh cá.

Việt Nam là một trong những thành viên của MRC đã nêu rõ quan điểm: việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông cần bảo đảm không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới, đến môi trường, đến đời sống kinh tế - xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn, theo đúng quy định quốc tế và quy định của MRC. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mê Kông tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê kông, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước ven sông, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực.

Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò tối quan trọng đối với an ninh lương thực của không chỉ Việt Nam mà còn của cả khu vực. Tuy nhiên, mỗi một công trình thủy điện được xây dựng thêm trên sông Mê Kông, Đồng bằng sông Cửu Long phải thêm đối mặt với những tác động xấu của môi trường và giảm sút khả năng sản xuất nông nghiệp.

Theo Đời sống
back to top