Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Trung Quốc đang tập hợp một nhóm chuyên gia kế toán và pháp lý để giám sát tình hình tài chính của China Evergrande Group - tập đoàn bất động sản hàng đầu đất nước.
Động thái trên mở đường cho việc tái cơ cấu tập đoàn bất động sản nợ nần nhiều nhất thế giới.
Tháng trước, các quan chức của tỉnh Quảng Đông - quê hương của Evergrande - đã triệu tập một nhóm chuyên gia đến từ công ty luật King & Wood Mallesons. Theo yêu cầu của Bắc Kinh, tỉnh cũng cử thêm một số cố vấn tài chính và kế toán để đánh giá tập đoàn bất động sản.
Bloomberg nhận định chính quyền Trung Quốc đang chuẩn bị cho một trong những cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất đất nước.
Tổng nợ phải trả của China Evergrande Group - công ty bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới - hiện đã tăng lên 1.970 tỷ NDT (tương đương 305 tỷ USD). Ảnh: Reuters. |
Áp lực gia tăng
Tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập Evergrande - và các nhà chức trách Trung Quốc đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Tập đoàn bất động sản liên tục thất hứa với nhà đầu tư, đối tác và khách hàng vì thiếu tiền mặt.
Cảnh sát ập vào trụ sở Thâm Quyến của Evergrande hôm 13/9, sau khi hàng chục người tập trung đòi lại các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) quá hạn hoàn trả. Caixin đưa tin đám đông lên tới hàng trăm người vào ngày 12/9.
Evergrande đã yêu cầu các nhân viên ở văn phòng Thẩm Dương làm việc tại nhà, sau khi một số nhân viên mua WMP của công ty cũng tham gia cuộc biểu tình, theo nguồn tin của Bloomberg.
Các nhà đầu tư tập trung tại trụ sở của Evergrand để đòi lại những sản phẩm quản lý tài sản quá hạn hoàn trả. Ảnh: Reuters. |
Tại Quảng Châu, các khách hàng mua nhà cũng bao vây văn phòng nhà ở địa phương của công ty. Họ yêu cầu Evergrande bắt đầu lại việc xây dựng bị đình trệ.
Hàng loạt cuộc biểu tình tại các văn phòng của Evergrande trên khắp Trung Quốc làm dấy lên nguy cơ bất ổn xã hội, tạo áp lực lớn đối với cơ quan quản lý.
undefinedBloombergundefined
Các ngân hàng khá do dự trước đề xuất trên, cho đến khi nhận được cái gật đầu từ cơ quan quản lý quốc gia.
Theo nguồn tin của Bloomberg, hồi tháng 8, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính của Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch nhằm tái đàm phán thời hạn thanh toán của Evergrande với các ngân hàng và chủ nợ khác.
Phép thử lớn
Hôm 14/9, Evergrande cho biết đã thuê các chuyên gia tái cấu trúc của Houlihan Lokey và Admiralty Harbour Capital làm cố vấn tài chính để tìm ra "tất cả giải pháp khả thi" nhằm giảm thiểu tình trạng khan hiếm tiền mặt.
Tập đoàn cho biết doanh số bán bất động sản sẽ sụt giảm trong tháng 9. Nguyên nhân là niềm tin của người mua nhà đã suy yếu. Evergrande thừa nhận kế hoạch bán cổ phần trong đơn vị dịch vụ bất động sản và xe điện cũng "không có nhiều tiến triển".
Bán tài sản là một trong những biện pháp chính giúp Evergrande thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tiền mặt.
Trong một tuyên bố hôm 13/9, Evergrande bác tin đồn sắp phá sản. Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, họ vẫn cam kết "kiên quyết hoàn thành trách nhiệm và đang làm mọi thứ để khôi phục hoạt động bình thường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng".
Với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, Evergrande trở thành phép thử lớn nhất đối với chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trả lời câu hỏi liệu Bắc Kinh có cho phép các công ty vay nợ quá mức sụp đổ hay không
- Hãng tin Bloomberg
Trên sàn Hong Kong, giá cổ phiếu của Evergrande đã lao dốc 12% trong phiên giao dịch hôm 13/9 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014. Cổ phiếu của tập đoàn sụt giá 80% trong năm nay.
Theo ghi nhận của Bloomberg, giá trái phiếu bằng đồng USD đến hạn vào năm 2022 của Evergrande cũng giảm khoảng 0,06 USD xuống 0,26 USD hôm 13/9.
Với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, Evergrande trở thành phép thử lớn nhất đối với chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trả lời câu hỏi liệu Bắc Kinh có cho phép các công ty vay nợ quá mức sụp đổ hay không.
Do mối quan hệ làm ăn giữa Evergrande và các ngân hàng, nhà cung cấp, khách mua nhà, sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc chao đảo.
Các nhà băng cho tập đoàn vay bao gồm China Minsheng Banking Corp., Agricultural Bank of China Ltd. và Industrial & Commercial Bank of China Ltd.
Ngoài nghĩa vụ đối với những nhà đầu tư WMP và trái chủ, tập đoàn bất động sản còn nợ các nhà cung cấp khoảng 147 tỷ USD. Tính đến tháng 12, Evergrande cũng nhận tiền trả trước từ hơn 1,5 triệu người mua nhà.