Tránh lây truyền Covid-19 từ vật nuôi sang người

(khoahocdoisong.vn) - Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ vật nuôi sang người khá hiện hữu. Việc nghiên cứu văcxin Covid-19 dành cho vật nuôi liệu có khả thi?

Nguy cơ cao lây nhiễm trên động vật

Mới đây, Công ty Dược phẩm Thú y Zoetis đã cung cấp 11.000 liều văcxin Covid-19 thử nghiệm cho gần 70 vườn thú trên khắp nước Mỹ để bảo vệ các loài động vật. Trong đó, hổ, gấu, sư tử núi và chồn sương là những động vật được tiêm chủng sớm nhất, sau đó đến lợn và các loài linh trưởng. Mỗi con vật sẽ tiêm tổng cộng 2 liều văcxin.

Trước đó, một con sư tử châu Á có nguồn gốc ở Ấn Độ và một con hổ tại vườn thú Bronx ở TP New York đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn chưa rõ liệu tất cả các loài động vật có thể bị nhiễm bệnh hay không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 75% bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện có nguồn gốc từ động vật.

Mới đây nhất, tại Ấn Độ, 8 con sư tử ở Công viên thú Nehru (NZP) cũng nhiễm Covid-19. Giới khoa học cảnh báo nguy cơ lây virus giữa người và động vật là điều khó tránh khỏi. Đây là lần thứ hai loài vật ăn thịt khổng lồ này được phát hiện mắc Covid-19 sau 8 con hổ và sư tử ở Vườn thú Bronx, New York, Mỹ có kết quả tương tự vào hồi tháng 4/2020.

Về vấn đề này, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, nhiều nghiên cứu phát hiện thấy sự lây truyền qua đường không khí và tiếp xúc từ động vật sang động vật, từ người sang động vật và ngược lại. Mèo và chồn là hai loài vật nhạy cảm với SARS-CoV-2 cao nhất. Sự lây truyền ngược SARS-CoV-2 từ động vật sang người ở chó và mèo đã được xác nhận qua phân tích gene của các chủng virus được phân lập từ vật nuôi và chủ vật nuôi. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy không có triệu chứng lâm sàng ở chó và mèo bị nhiễm bệnh.

Vật nuôi cũng phải được cách ly như người

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, rất nhiều dịch bệnh trong quá khứ đã được chứng minh là do lây nhiễm từ động vật hoang dã. Chính hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng bất hợp pháp các loài này đã tạo điều kiện cho việc phát tán, lây lan các ổ virus nguy hiểm. Việt Nam đã và đang thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 rất hiệu quả, song cũng phải tính đến các biện pháp phòng ngừa từ động vật.

PGS.TS Đồng Văn Quyền, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh, văcxin luôn là giải pháp cuối cùng, căn cơ nhất. Tuy nhiên, văcxin Covid-19 trên động vật hiện vẫn còn khá mới mẻ, trong khi các nguồn lực hiện nay phải tập trung vào văcxin Covid-19 trên người. Khi dịch bệnh trên người được kiểm soát cơ bản, sẽ cần tính toán đến cả văcxin Covid-19 trên động vật. Nghiên cứu văcxin trên động vật đơn giản hơn nhiều văcxin trên người. Do đó, khi có các bằng chứng rõ ràng về virus SARS-CoV-2 trên động vật thì Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu được văcxin.

Trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn diễn biến căng thẳng, phức tạp, mỗi người phải tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế tiếp xúc, thực hiện tốt khuyến cáo của ngành y tế. Thêm một khuyến cáo khác là không tiếp xúc quá gần với vật nuôi, không tiếp xúc với động vật nói chung.

Theo các chuyên gia, để tránh lây truyền virus sang vật nuôi thì vật nuôi phải được cách ly tương tự như áp dụng ở người. Để thú cưng đi lang thang trong cộng đồng sẽ làm tăng khả năng lây lan virus. Nguồn gốc ban đầu của virus vẫn chưa được xác định, do đó, vật nuôi cần được quản lý chặt chẽ, áp dụng mọi biện pháp theo các cơ quan thú y quy định, đặc biệt là thú nuôi tại những vùng đã diễn ra dịch và đã dập dịch. Không vận chuyển, giết thịt thú nuôi tại các vùng có dịch. Giữ vệ sinh khi tiếp xúc, nên có khu biệt lập cho thú nuôi trong gia đình.

Theo Đời sống
back to top