Trái phiếu doanh nghiệp 2020: Bán thành công 69%

(khoahocdoisong.vn) - Theo thống kê Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố, trong năm 2020, có 277 doanh nghiệp phát hành trái phiếu (TPDN) riêng lẻ. Tổng giá trị phát hành thành công chiếm 69% tổng giá trị đăng ký, tăng 35,9% so với năm 2019.

Theo HNX, tháng 12/2020, có 35 doanh nghiệp đăng ký 98 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng giá trị đăng ký phát hành 75,35 nghìn tỷ đồng. Về kết quả phát hành, giá trị phát hành thành công đạt 43,47 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,69% tổng giá trị đăng ký phát hành.

Nhóm doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất trong tháng 12 là các tổ chức tín dụng, chiếm 55,13% tổng giá trị. Giá trị phát hành của các công ty bất động sản chiếm 5,88% tổng giá trị phát hành; các doanh nghiệp xây dựng chiếm 4,38%; các doanh nghiệp sản xuất chiếm 3,78%; các doanh nghiệp dịch vụ chiếm 1,61%; các doanh nghiệp chứng khoán chiếm 0,87%; còn lại là các doanh nghiệp khác chiếm 28,35% tổng giá trị phát hành.

Về phát hành TPDN quốc tế, trong tháng 12/2020, có 1 doanh nghiệp đã phát hành thành công 160 triệu USD TPDN ra thị trường quốc tế với kỳ hạn phát hành bình quân đạt 5 năm.

Như vậy, trong năm 2020, đã có 2.408 đợt đăng ký phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó có 2.228 đợt phát hành thành công, tăng 2,46 lần so với năm 2019. Tổng giá trị phát hành thành công đạt 403,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 69% tổng giá trị đăng ký, tăng 35,9% so với năm 2019. Số doanh nghiệp phát hành thành công là 277 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp đã phát hành thành công 345 triệu USD TPDN ra thị trường quốc tế.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 153 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và trước đó là Nghị định 81 có hiệu lực từ đầu tháng 9/2020 đã giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần đi vào khuôn khổ hơn. Đặc biệt, sau khi Nghị định 81 đi vào thực tế, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp trong bốn tháng cuối năm đã sụt giảm rõ rệt về lượng phát hành. Trung bình mỗi tháng giảm xuống mức dưới 25.000 tỷ đồng.

Nghị định 153 lại được đánh giá là phần nào tháo gỡ sức ép cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong ba năm liên tiếp; đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận; có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Như vậy, Nghị định này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thuận lợi hơn.

Theo KH&ĐS
back to top