Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có văn bản khẩn gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng kinh phí ủng hộ hoạt động phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tiếp nhận.
Theo đó, TP.HCM là nơi tập trung đông dân cư và cũng là nơi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để chủ động trong phòng chống dịch, thành phố cần có kinh phí lớn từ các nguồn tài trợ bên cạnh ngân sách Nhà nước.
Từ khi vận động đến ngày 31/5, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố (Ban vận động) đã nhận gần 268 tỷ đồng. Thành phố đã chi gần 191 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch.
UBND TP.HCM xin giữ lại kinh phí ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 để mua vaccine. Ảnh: Chí Hùng. |
Do nhu cầu kinh phí mua vaccine để tiêm phòng cho người dân rất lớn trong khi nguồn ngân sách Nhà nước giới hạn, Ban vận động đã kêu gọi ủng hộ từ nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, hơn 80 đơn vị, cá nhân đã đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 2.210 tỷ đồng và Ban vận động đã tiếp nhận hơn 65 tỷ đồng.
"Khi ủng hộ kinh phí mua vaccine, hầu hết tập đoàn, doanh nghiệp lớn của TP.HCM có nguyện vọng được cơ quan Nhà nước cấp vaccine để tiêm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của đơn vị", công văn nêu.
Để đẩy lùi dịch bệnh, hiện tại, TP.HCM cần nhiều nguồn lực tài chính bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch.
Với thực tế đó, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính xem xét cho phép TP.HCM không chuyển vào ngân sách Nhà nước kinh phí mua vaccine phòng chống dịch Covid-19 mà Ban vận động đã tiếp nhận.
Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị Trung ương giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM theo dõi, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ để thực hiện hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, bao gồm cả việc mua vaccine.
Căn cứ chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về mua vaccine phòng Covid-19, TP.HCM sẽ chủ động các nguồn lực tài chính để thực hiện, đảm bảo vaccine tiêm phòng cho người dân.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 3.280 ca mắc mới, vượt Bắc Ninh và đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Từ ngày 19/6, TP.HCM bước vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với hơn 800.000 liều, dự kiến triển khai trong 5-7 ngày.
Ngày 19/6, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 về giãn cách xã hội với các quy định như không tụ tập quá 3 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 1,5 m, tạm dừng chợ tự phát. TP.HCM cũng quyết định phong tỏa hàng loạt khu vực có nhiều ca nhiễm nCoV tại huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 8.