TP HCM chuẩn bị 50.000 giường điều trị Covid-19

Để chủ động ứng phó tình huống xấu nhất, TP HCM có kế hoạch chuẩn bị 50.000 giường điều trị Covid-19 theo yêu cầu của Ban chỉ đạo chống Covid-19 quốc gia.

Thông tin được bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM nói tại cuộc họp báo tối 10/7, khi đề cập kế hoạch ứng phó dịch sắp tới của thành phố.

Theo ông Thượng, hiện thành phố chuẩn bị được 36.000 giường bệnh, trong đó 6.000 giường ở các bệnh viện chuyên sâu, 30.000 giường ở bệnh viện dã chiến thu dung điều trị.

Phó giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng tại cuộc họp báo tối nay. Ảnh: Hữu Công.

Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng tại cuộc họp báo tối nay. Ảnh: Hữu Công.

"Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ hỗ trợ lập thêm mười mấy nghìn giường nữa. Đây là các giường sẽ lắp ở các bệnh viện dã chiến, chuyên điều trị các ca F0 không có triệu chứng", ông Thượng nói và cho biết 80% ca Covid-19 tại TP HCM không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong số đó, 5% có dấu hiệu chuyển nặng; trong 5% này, khoảng 30% sẽ chuyển rất nặng.

Thành phố đang phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế: cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện trung tâm thành phố).

Tính đến tối nay, TP HCM đã ghi nhận 11.615 ca nhiễm. 14.432 người đang cách ly tập trung, 38.564 trường hợp đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Thành phố đã trải qua 37 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15 và đang ở ngày thứ hai của đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 dài 15 ngày.

Họp với Chính phủ sáng nay, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn dự báo những ngày tới số ca nhiễm tại TP HCM tiếp tục tăng cao, hơn 1.000 ca mỗi ngày. Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã chuẩn bị kịch bản mỗi ngày ghi nhận 1.600 ca nhiễm ở thành phố. TP HCM có thể ghi nhận 10.000 ca nhiễm trong 5 ngày tới.

Bệnh viện dã chiến 3.000 giường vừa được thiết lập tại một chung cư ở phường An Khánh, TP Thủ Đức. Ảnh: Hữu Khoa.

Bệnh viện dã chiến 3.000 giường vừa được thiết lập tại một chung cư ở phường An Khánh, TP Thủ Đức. Ảnh: Hữu Khoa.

Trả lời câu hỏi "số ca nhiễm ngày càng tăng cao, TP HCM có dự định cách ly, điều trị các trường hợp F0 tại nhà hay không?", ông Thượng cho biết đây là cách làm được nhiều nước áp dụng nhưng Việt Nam chưa có chủ trương này.

"Chúng ta vẫn quyết tâm phát hiện sớm F0 để cách ly. Chỉ khi nào không còn khả năng tiếp nhận điều trị nữa mới cách ly F0 ở nhà", ông Thượng nói và cho rằng việc cách ly F0 tại nhà vừa không có lợi cho người bệnh khi chuyển biến nặng, dịch dễ lây lan. TP HCM đang giãn cách xã hội, nếu làm quyết liệt hy vọng số ca nhiễm giảm dần.

Bên cạnh đó, ông Thượng cho biết đợt dịch này với biến chủng Delta diễn biến hết sức phức tạp, có thể trong một ngày, người không có triệu chứng đã chuyển sang diễn biến khác. Vì thế ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kịp thời ứng biến.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết thêm, theo gợi ý của Bộ Y tế, ngành y tế thành phố đã triển khai thêm giường hồi sức chuyên sâu với 4 trung tâm ứng cứu tiếp nhận, quy mô 1.000 giường nhằm ứng phó với số ca mắc ngày còn tăng. Trong đó, ngoài 300 giường tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 300 giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, thành phố đã huy động Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115 tham gia với tổng cộng 400 giường.

Liên quan việc mở rộng thêm khu cách ly F1 theo chỉ đạo của UBND thành phố, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết đã dự trù khoảng 20.000 giường. Đến giờ này, 11.500 giường có thể đưa vào sử dụng ngay.

"Tất cả các doanh nghiệp đều đồng thuận, ủng hộ", ông Quân nói và cho biết tất cả khu cách ly và bệnh viện dã chiến được tăng cường hầu hết thuộc các chung cư có sẵn, chưa sử dụng.

Theo vnexpress.net
back to top