Tại phiên chất vấn sáng nay, phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TPHCM và các địa phương liên quan tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 bằng hình thức trực tuyến từ TPHCM kết nối với các tỉnh, thành phố.
“Đây là vấn đề mà một số đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đề xuất trong phiên họp này. Đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TPHCM và các địa phương để tổ chức thật tốt lễ tưởng niệm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Trước đó, tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội trong hai ngày 8 và 9/11, nhiều đại biểu đã đề xuất nên có ngày tưởng niệm hoặc ngày quốc tang dành cho những nạn nhân đã tử vong vì Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng, hậu quả của dịch bệnh để lại là rất to lớn về cả người và của. Tính đến nay, hơn 22.500 đồng bào, chiến sĩ, cán bộ trên tuyến đầu chống dịch đã tử vong.
Nhiều nước trên thế giới cũng đã có ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân của đại dịch Covid-19.
Việc tổ chức một ngày quốc tang tưởng niệm cũng phù hợp với Kết luận của Bộ Chính trị trong Thông báo số 19, ngày 22/4/2011: “Đồng ý tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân.”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, hầu hết những người đã mất trong đại dịch này đã ra đi trong sự đau đớn, xa cách người thân và vì dịch bệnh nên đã không được tổ chức mai táng chu toàn. Vậy, dành cho họ một ngày quốc tang là rất nhân văn, nhân ái, đúng với đạo lý con người Việt Nam.
Việc tổ chức ngày quốc tang còn là để nhắc nhở chúng ta, những người đang sống tuyệt đối không được lơ là việc phòng chống dịch Covid-19; để chúng ta sẽ đồng lòng hơn, quyết tâm hơn trong công cuộc chống lại đại dịch Covid-19 cam go và ác liệt này.