Xử phạt 2 chủ tài khoản Facebook đăng tin sai sự thật
Ngày 9/8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM quyết định xử phạt chủ tài khoản Facebook "Nguyễn Đức Hiển" và "Hoàng Nguyên Vũ", về hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, liên quan đến thông tin về "bác sĩ Khoa" rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ.
Đây là thông tin không đúng sự thật được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua.
Từ góc nhìn pháp lý về vụ việc "bác sĩ Khoa", luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn luật sư TPHCM), cho rằng, sự việc tuy là giả mạo, nhưng tài khoản "Trần Khoa" là thật. Ai là người sử dụng tài khoản này để đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư Toàn, việc tạo dựng và chia sẻ một câu chuyện, một nhân vật giả mạo lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, tại điểm a, khoản 1, điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
"Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3, điều 4 nghị định 15/2020/NĐ-CP)", luật sư Toàn cho biết.
Theo luật sư, những người cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với khung hình phạt lên đến 5 năm tù.
Dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngoài việc tạo dựng tài khoản trên mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật, tài khoản Facebook "Trần Khoa" còn tham gia một group trên mạng tên "nhà 82".
Khi thông tin được đăng tải, một số người có liên hệ với tài khoản "Trần Khoa" cho rằng nhóm "nhà 82" làm từ thiện và chuyển tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn cho rằng, "nếu việc tung tin đồn giả mạo nhằm mục đích lợi dụng lòng tốt, chiếm đoạt tiền quyên góp của những nhà hảo tâm thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Nếu người dựng lên câu chuyện biết rõ việc cá nhân hoặc nhóm cá nhân nào đó lợi dụng để chiếm đoạt tài sản, thì hành vi này có thể bị xem xét là đồng phạm giúp sức trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện, các nhà hảo tâm nên tìm hiểu kỹ chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động đứng ra tổ chức.
Trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an để ngăn chặn", luật sư Toàn nói.
Đồng tình quan điểm trên, luật Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Đoàn luật sư TPHCM) khẳng định trục lợi từ hoạt động từ thiện không những vi phạm pháp luật mà còn làm mất lòng tin, lòng tốt và tâm hướng thiện. Pháp luật cần nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức có hành vi trên.
Theo luật định, người dùng thủ đoạn gian dối nhằm có tài sản của nhà hảo tâm, sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, có thể chịu xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo luật sư Trâm, đối với hành vi sử dụng mạng xã hội vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, pháp luật có thể bị áp dụng thêm nhiều tình tiết tăng nặng, như: phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi…
Xuân Duy