Sẽ rất khó!
Năm 2016 Bộ Công thương đã tổ chức lấy ý kiến của tất cả các cán bộ trong Bộ về dự kiến kiện toàn, tinh giản đổi mới bộ máy cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Theo đó, Bộ Công thương hiện có 35 đầu mối, dự kiến sẽ chỉ còn 28 đầu mới. Dự kiến phương án xây dựng cơ cấu tổ chức Bộ Công thương sẽ được trình lên Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2016. Tinh giản biên chế không phải là câu chuyện mới, nhưng thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, quyết liệt thì hẳn là chuyện đáng bàn?
Việc tinh giản này là chấp hành nghiêm túc chủ trương chung của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về vấn đề tinh giản biên chế. Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là kế hoạch dự kiến là như thế, việc thực hiện như thế nào tùy thuộc vào từng hoạt động cụ thể sau này.
Có thể thấy ngay rằng việc thực hiện là rất khó, khó lắm. Đó là vấn đề công ăn việc làm, đánh giá cán bộ, sàng lọc người làm được việc… Trong khi tình trạng thất nghiệp đang nan giải thì việc tinh gọn bộ máy lại càng khó khăn.
Cụ thể khó khăn ấy là gì ạ?
Tôi cho rằng phải quyết tâm lắm thì mới làm được. Nó khó ở chỗ để có một công ăn việc làm ổn định, nhất là ở trong biên chế nhà nước bây giờ là cực kỳ khó khăn.
Thứ nữa là phần lớn công chức viên chức có các mối quan hệ với nhau, có quan hệ họ hàng, anh em, bà con với nhau. Con ông này, cháu bà kia… nên đụng vào đâu cũng là “nhạy cảm” cả.
Rồi cho họ nghỉ thì họ làm gì để sống, giải quyết công ăn việc làm cho họ ra sao? Đời sống của người lao động, ảnh hưởng đến gia đình họ thì giải quyết thế nào?
Nhưng ở góc độ vĩ mô thì rõ ràng điều này là cần thiết?
Đúng là rất cần, phải làm càng sớm càng tốt vì bộ máy của chúng ta hiện nay cồng kềnh quá, trong khi hiệu quả làm việc thì chưa cao. Việc tinh gọn bộ máy mới nâng cao được chất lượng công vụ, trả lương cao hơn, tiết kiệm ngân sách hơn…
Cái được – mất trong bài toán này là như thế nào thưa ông?
Tinh giản biên chế thì giảm chi tiêu ngân sách, giảm nợ công. Nhưng phải xác định rằng đó là “cuộc đấu tranh” cực kỳ khó khăn, không dễ thực hiện. Nó ảnh hưởng đến người lao động.
Do đó công tác tư tưởng phải tốt, có sự thống nhất trong lãnh đạo thì mới làm được. Đối với những người bị cho nghỉ thì phải tính toán xem hướng cho họ làm việc gì.
Theo tinh thần phát biểu của lãnh đạo Bộ Công thương thì việc tinh gọn bộ máy lần này sẽ được làm quyết liệt, triệt để, với tinh thần tinh giản thực sự. Dù khó, nhưng có lẽ là việc thực hiện cũng không phải là “không tưởng” thưa ông?
Ở cấp Bộ thì việc tinh giản có cái dễ là có hai bộ phận là quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Việc tinh giản sẽ hướng vào các đơn vị sự nghiệp này, chuyển hướng thành các đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ về tài chính.
Đây cũng là xu hướng chung của các bộ ngành khác trong việc tinh giản biên chế. Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn có thể làm được.
Tránh “tinh giản nhầm”
Theo ông thì làm thế nào để việc tinh giản đi vào thực chất. Từ trước đến nay chúng ta vẫn nói đến vấn đề này nhưng tinh gọn bộ máy thì chưa, thậm chí bộ máy vẫn ngày càng “phình to” theo lời của một đại biểu Quốc hội?
Trước tiên là phải có sự chỉ đạo và phê duyệt chủ trương chung ấy. Sau đó giám sát quá trình thực hiện, chỉnh sửa ngay khi có vấn đề phát sinh, xử lý nghiêm các sai phạm.
Còn nếu đề ra kế hoạch là thế nhưng lại “buông”, không kiểm tra giám sát thì sẽ không thể đi vào thực chất được. Nếu để người thực thi muốn làm thì thì làm, sẽ rất khó để đạt được mục tiêu tinh giản.
Có ý kiến băn khoăn rằng làm thế nào để tránh tình trạng “con ông cháu cha” trong vấn đề tinh giản này?
Đúng là một lo lắng có cơ sở. Có khi nào người có quan hệ, thuộc hàng “con ông cháu cha” thì được giữ lại, còn người có năng lực thực sự thì lại bị rơi vào diện giảm biên chế?
Để làm được điều này thì chỉ có cách phải giám sát từ bên trên. Sau đó là công khai, minh bạch. Đưa ra các tiêu chí rõ ràng, danh sách tinh giản rõ ràng để không ai thắc mắc được.
Khi đó thì quần chúng có thể giám sát. Để tránh tình trạng “tinh giản nhầm”, người có tài thì tinh giản, người có “quan hệ”, có tiền thì được giữ lại.
Nhưng nói “giám sát” hay “công khai” thì dường như vẫn còn lý thuyết lắm?
Cứ công khai, minh bạch, dân chủ thì sẽ làm được. Ngoài ra phải có sự chỉ đạo sát sao từ trên, từ Thủ tướng đến các ban ngành trung ương, từ Bộ trưởng đến các ban ngành bên dưới.
Làm sao để tạo ra sự thống nhất, quyết tâm cao. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, nhắc nhở. Phải làm với tinh thần thực sự quyết liệt thì mới được.
Người đứng đầu có vai trò quyết định
Đã có những câu chuyện đau lòng từ hệ quả của công tác cán bộ. Chỉ vì tinh giản, sắp xếp lại bộ máy mà có người đã “quẫn trí” hành động nông nổi. Làm thế nào để trong câu chuyện tinh giản này không gặp phải vấn đề đó?
Thực ra thì sau câu chuyện kia người ta cũng nói rằng chính người bị hại, là một lãnh đạo, cũng có những vấn đề trong quản lý không được liêm khiết lắm.
Do đó, để không gặp phải tình trạng này thì buộc người đứng đầu phải nghiêm túc, liêm khiết, công bằng, minh bạch, vì sự phát triển chung chứ không được có sự tư lợi bản thân, bè cánh trong đó.
Tất cả đều phụ thuộc vào người đứng đầu. Phải liêm khiết, quyết liệt, không bè cánh và trong sạch thì mới có thể làm được.
Bởi việc tinh giản biên chế không đơn giản là cho thôi việc một người, đằng sau đó là cuộc sống của nhiều gia đình?
Đúng thế, nên phải cẩn trọng và thực hiện làm sao để đảm bảo vẫn đảm bảo an ninh ngân sách, hiệu quả hoạt động công vụ nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn.
Đây là hàng loạt các vấn đề phải thực hiện, ví dụ như không để hiện tượng quan chức lợi dụng chức vụ mưu cầu lợi ích cá nhân, đưa con cháu mình vào các vị trí công việc mà không coi trọng việc đề bạt, sử dụng đúng những thanh niên ưu tú trong các thành phần xã hội.
Cần cụ thể hóa những quy định, quy chế của Đảng và Nhà nước. Nơi nào chưa cụ thể hóa được những quy định đó thì phải bổ sung ngay.
Từ trước đến nay, dường như khâu đánh giá cán bộ ta làm cũng chưa tốt?
Để lọc bỏ đúng người thì cũng phải lựa chọn đúng người, bổ nhiệm, đánh giá đúng người. Tất cả những người được đề bạt, bổ nhiệm phải có chương trình hành động và công bố cho địa phương, cơ sở, thậm chí đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Công Thương hiện có 35 đầu mối tổ chức, dự kiến chỉ còn 28 đầu mối. Trong đó, Tổng cục Năng lượng có thể được tách thành một Cục và 2 Vụ; vụ Thị trường Thương mại Miền núi nhập vào vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới, phát triển Doanh nghiệp; Hợp nhất Vụ Phát triển nguồn nhân lực vào Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ thi đua khen thưởng và Cục công tác phía nam nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương; Các Vụ KV1, KV2 , KV3 , KV4 và Vụ Hợp tác Quốc tế nhập lại thành 2 vụ Âu Mỹ và Á Phi; Hai viện Nghiên cứu Thương mại và Chính sách công nghiệp nhập thành một Viện; Mở thêm Cục Phòng vệ Thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập; Nâng cấp Cục QLTT thành Tổng cục Quản lý thị trường.
Tô Hội (thực hiện)