Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) phát sinh tại 773 xã tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là 34.000 con. Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương thành lập ngay các đoàn công tác, xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng ở ổ dịch chưa qua 30 ngày. Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP.
Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, từ các nước Lào, Campuchia…nhằm ngăn chặn nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm Long móng vào Việt Nam. Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp, phải tiêu hủy theo quy định.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này, đã có khoảng 4.800 con lợn cả hậu bị và lợn thịt được nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam. Lợn nhập từng lô 300 - 500 con nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, việc nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của kiểm dịch thú y nên không thể nhập ồ ạt, thiếu kiểm soát. Đến thời điểm này, mới có 500 con lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan được giết mổ bán ra thị trường nên nguồn cung chủ yếu vẫn là lợn nuôi trong nước. Theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn heo cả nước hiện đạt gần 2,5 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh Dịch tả heo châu Phi.
Sản lượng lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,64 triệu tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn cả nước mỗi quý từ 900 - 910 nghìn tấn trong bối cảnh các trang trại, doanh nghiệp cung cấp chỉ khoảng hơn 811 nghìn tấn, dẫn tới nguồn cung vẫn thiếu, kéo theo giá thịt lợn hơi vẫn tăng, nhất là tại các tỉnh miền Bắc.
Theo ghi nhận, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục tăng nhẹ. Tại các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định giá lợn hiện dao động từ 90.000 - 92.000đ/kg, một số nơi tăng nhẹ 2.000đ/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng từ 83.000 - 88.000đ/kg.