“Thương mại hóa giáo dục” tất yếu sẽ thất bại

“Đôi khi tôi lấy làm tiếc, vì có những giáo viên không đủ tự tôn, không cảm nhận được hạnh phúc với nghề. Những trường hợp như thế, người giáo viên ấy lại lan truyền những điều chưa trọn vẹn, chưa xứng đáng với nghề”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã chia sẻ về nghề giáo cũng như các vấn đề giáo dục đang được dư luận xã hội quan tâm hàng đầu hiện nay.

Giáo dục tự thân mới là căn cốt

Đã nhiều năm gắn bó với nghề giáo, dạy học từ các cấp phổ thông, cô có thể trải lòng đôi điều về nghề?

Trước hết xin cảm ơn Quý báo đã dành cho tôi những lời chúc tốt đẹp và cơ hội được trải lòng về nghề nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo. Nghề đối với tôi rất thiêng liêng. Nhờ nghề, mà tôi được lớn lên, được dưỡng nuôi trong thiện lành và những gì tốt đẹp nhất của phẩm chất người “Thầy” đã được mẹ tôi, chị tôi, những người đồng nghiệp đi trước làm gương, lưu truyền lại. Tôi vui, tôi buồn, tôi thành công… đều gắn bó với nghề.

Tôi đã bắt đầu “kiếm tiền bằng việc dạy” từ khi rất nhỏ và cũng đã gần 20 năm gắn bó với công việc này. Tôi may mắn khi dạy học cả cho các bé mẫu giáo, rồi học sinh tiểu học, trung học, sinh viên, cả những người đã làm giáo viên… Với mỗi đối tượng, tôi lại được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau… Tuy nhiên, luôn luôn thường trực trong tôi là niềm vui sướng khi được chuẩn bị bài dạy, được dạy… và luôn mong mỏi người khác học, học nữa như là một công thức để tìm thấy động lực, niềm vui.

Đôi khi tôi lấy làm tiếc, vì có những giáo viên không đủ tự tôn, không cảm nhận được hạnh phúc với nghề. Những trường hợp như thế, người giáo viên ấy lại lan truyền những điều chưa trọn vẹn, chưa xứng đáng với nghề. Hoặc cũng có những người giáo viên, họ chỉ coi nghề là công cụ kiếm sống. Điều đó khiến tầm nhìn về nghề của họ bị hạn chế, khiến họ chưa nhận ra quyền năng tuyệt vời của nghề làm thầy.

Nhiều người cho rằng, nền giáo dục của chúng ta hiện nay chạy theo thói sính bằng cấp, hư danh hơn là chú trọng vào giáo dục con người, quan điểm của cô về suy nghĩ này?

Tôi không đồng ý với quan điểm này. Bởi giáo dục là một quá trình, rất dài, nó đại diện cho hệ giá trị mà mỗi người theo đuổi. Niềm tin vào giáo dục, hành động giáo dục của mỗi người sẽ góp phần tạo ra cái mà chúng ta thường gọi là “nền giáo dục”.

Tôi luôn được giáo dục và kiên trì thực hiện những giá trị giáo dục mà tôi cho là tốt đẹp, không sính bằng cấp, không chuộng thành tích, chú trọng vào sự phát triển nhân cách, tư duy, nhận thức của con người. Ngay cả trong mục tiêu giáo dục quốc gia, trong từng trường, từng lớp… ở đâu đâu cũng hướng tới con người có năng lực, có thái độ sống tốt đẹp.

chu-cam-tho.jpg
PGS.TS Chu Cẩm Thơ (ảnh do nhân vật cung cấp).

Người ta thường nói rằng: “Làm gì có ai dạy những điều xấu, chỉ có ai đó làm điều xấu mà thôi”. Tôi sợ nhất mỗi chúng ta có lúc là “ai đó” trong câu nói trên, nhưng lại nhất định không chịu nhận. Giáo dục tự thân mới là khó và mới là căn cốt cho “nền giáo dục”.

Không thể dùng công thức “thương mại hóa trong giáo dục”

“Thương mại hóa trong giáo dục” có xấu không? Chúng ta nên hay không nên thực hiện quan điểm này?

Tôi không thích dùng cụm từ “thương mại hóa trong giáo dục”. Không phải vì nói như vậy nghĩa là xấu, mà là tôi hiểu rằng để làm giáo dục thì không thể dùng công thức “thương mại hóa”, ai làm như thế tất yếu sẽ thất bại. Tiếp cận giáo dục là một dịch vụ, xuất phát từ có nhu cầu của người học, khi đó các sản phẩm giáo dục sẽ có lý do để tồn tại, để phát triển.

Học tập là suốt đời. Học tập là một nhu cầu thiết yếu và rất đặc biệt, nó vừa mang khía cạnh vật chất nhưng lại hàm chứa nhiều hơn giá trị nhân văn, bồi đắp nhận thức và tạo nên con người xã hội. Chính vì lẽ đó, sản phẩm giáo dục được nghiên cứu và phát triển rất đặc biệt, không chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người học, mà còn “giáo dục người đó ở tương lai”. Chúng ta vẫn cần các sản phẩm giáo dục, nhưng chúng ta không thể chấp nhận sản phẩm giáo dục tồi.

Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng trong tất cả các ngành nghề trong thời đại 4.0. Đối với giáo dục ở nước ta hiện nay thì việc chuyển đổi số có cần thiết và cấp bách?

Mới đây, tôi biết thông tin Ngân hàng Thế giới đánh giá người lao động trẻ Việt Nam đứng “áp chót” trong khu vực về thành tố công nghệ trong năng lực. Tôi rất buồn và bị ám ảnh rất lâu, bởi lẽ, chúng ta biết giới trẻ nói riêng, người Việt chúng ta nói riêng tiêu tốn không ít tiền bạc, thời gian… vào công nghệ, giải trí số.

Trong khi đó, đích đến quan trọng nhất của chuyển đổi số chính là năng lực số của con người. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong giáo dục nhất định phải được đầu tư, phải được thực thi bài bản, mang tính hệ thống. Trước hết, đó là trang bị lại và nâng cao kỹ năng số cho những người thầy; đó là xây dựng hệ thống dữ liệu số để thực hiện quá trình học kết hợp (Blended learning) giữa trực tiếp và trực tuyến; đó là một hạ tầng - nền tảng công nghệ và thiết bị học tập cho mọi người…

Chuyển đổi số cần được đầu tư hệ thống quy mô quốc gia và cần được đầu tư công, chứ không chỉ dừng lại “khuyến khích”, xã hội hóa.

Vậy nền giáo dục của nước ta hiện nay còn bất cập không? Nếu đem so sánh với các nền giáo dục hiện đại trên thế giới thì nền giáo dục của nước ta có bị tụt hậu?

Chúng ta chỉ có thể kết luận “tụt hậu” theo một vài tiêu chí nào đó. Còn sức sống của nền giáo dục gắn liền với thế hệ con người của quốc gia, dân tộc nên chẳng thể “tụt hậu” nếu ý chí và hành động không ngừng vươn lên. Chẳng hạn, chúng ta có thể tự hào khi so thành tích thi ở các kỳ thi Olympic môn học, ở các kỳ đánh giá quốc tế mà chúng ta tham gia, ở sự quan tâm đầu tư cho giáo dục ở phần đa gia đình Việt Nam…

Nhưng chắc chắn chúng ta đang “cảm nhận” sự tụt hậu từ năng lực lao động ở đại bộ phận lao động trẻ (như những thống kê mới đây cho thấy năng suất lao động, trình độ tay nghề cao của lao động… của Việt Nam đều đang rất đáng lo ngại). Hiểu theo nghĩa đó, rõ ràng, “sản phẩm giáo dục” của chúng ta đang “tụt hậu”... Cho nên, lề lối cũ, nhận thức cũ, cách làm cũ… sẽ khiến chúng ta “tụt hậu” trong giáo dục và cũng sẽ “tụt hậu” trong quá trình phát triển của mỗi người cho đến quốc gia, dân tộc.

“Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Tôi đã thực chứng, đã nghiên cứu và luôn tin rằng thầy cô giáo nào cũng có thể hạnh phúc với nghề, với đời và lại tạo ra hạnh phúc”.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ sinh năm 1981. Năm 29 tuổi, cô đạt học vị tiến sĩ và ở tuổi 32 đã ở vị trí Phó Chủ nhiệm Bộ môn, tham gia viết sách giáo khoa môn Toán. Năm 2016, cô được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư.

Trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 mà Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố, PGS.TS Chu Cẩm Thơ vinh dự có mặt trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ hiện là Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Nhà sáng lập POMATH, Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

Theo Đời sống
back to top