Càng lớn càng lỗ khủng
Được đánh giá là thị trường sôi động và tăng trưởng vào loại nhanh nhất của khu vực, nhưng năm 2019 thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phải chứng kiến sự ra đi của hàng loạt các tên tuổi như Adayroi, Lotte, Robin, Deca…Gần nhất, sàn Adayroi của Vingroup đã chính thức đóng cửa vào ngày 20/12, khép lại hành trình 4 năm gia nhập thị trường.
Theo báo cáo của iPrice Insights, lượng truy cập của Adayroi đạt 7,016 triệu lượt, xếp thứ 8 trong nhóm các trang TMĐT hàng đầu Việt Nam (sau Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động, Sen Ðỏ, Ðiện máy xanh và FPT Shop).
Sau Adayroi, trang TMĐT của Lotte tại Việt Nam cũng thông báo ngừng hoạt động từ 20/1/2020 với lý do “để hoàn tất công nợ với các đối tác trước ngày 20/2/2020”. Lotte.vn đóng cửa sau 3 năm hoạt động khi số lượt truy cập liên tục sụt giảm. Iprice Insights cho biết, quý 3/2019, Lotte.vn có hơn 965.000 lượt truy cập, giảm mạnh so với con số hơn 3,3 triệu lượt của cùng kỳ 2018.
Đến giờ, mặc dù thị trường vẫn tấp nập sôi động, “người đến kẻ đi”, nhưng TMĐT Việt trụ lại còn 4 “ông lớn”, gồm Lazada, Shopee, Tiki, và Sendo. 4 sàn thương mại này vẫn đang trong quá trình đầu tư, chưa có lãi và vẫn đang “đốt tiền” để tồn tại.
Theo VNDirect, giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015-2018 lên tới 9.400 tỷ đồng. Tính chung, mỗi doanh nghiệp (DN) TMĐT chịu lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ tại Việt Nam. Cuộc chiến này chưa có hồi kết và cả nhóm big 4 TMĐT ở Việt Nam chưa biết bao giờ mới hết lỗ.
Theo các chuyên gia, thực tế TMĐT thế giới đã phát triển hơn 20 năm nay cũng chưa đem lại lợi nhuận rõ ràng. Ví dụ rõ ràng nhất là “ông trùm” TMĐT Amazon và những con số doanh thu khổng lồ. Amazon cùng với Apple là 2 công ty đầu tiên đạt mức doanh thu 1.000 tỷ USD. Chỉ trong quý 3/2019, doanh thu của Amazon lên tới 70 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 2,1 tỷ USD. Nhưng lãi của Amazon không đến từ TMĐT, mà từ dịch vụ cho thuê hạ tầng điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS).
Như vậy, ngay cả đối với công ty hàng đầu thế giới là Amazon, TMĐT vẫn đem lại rất ít lợi nhuận. Các công ty TMĐT thực chất kiếm tiền không phải trực tiếp từ dịch vụ này. Các ứng dụng gọi xe Grab, Go-Viet... lấy phần mềm gọi xe làm nền tảng, chấp nhận lỗ để kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ ăn theo. Grab, Go-Viet đã dần từng bước phát triển các dịch vụ tài chính, bất động sản dựa trên các cuốc xe và sẽ sinh lời từ đấy. TMĐT Việt Nam cũng đi theo hướng này.
Mức lợi nhuận âm (lỗ) của các sàn thương mại điện tử. |
Chờ bùng nổ?
Cuối tháng 11/2019, Sendo công bố đã gọi vốn thành công 61 triệu USD ở vòng Series C. Số tiền 61 triệu USD được đầu tư bởi các cổ đông hiện hữu cũng như hai nhà đầu tư mới EV Growth của Indonesia và Kasikornbank của Thái Lan. Những nhà đầu tư ở vòng Series B tiếp tục rót vốn ở vòng này bao gồm SBI Group, Beenos, SoftBank, Daiwa PI Partner, Digital Garage. Số vốn Sendo huy động ở vòng trước là 51 triệu USD.
Theo ông Trần Hải Linh, CEO của Sendo, công ty dự định sẽ dùng số vốn để tiếp tục có thêm những ưu đãi cho khách hàng, đồng thời nâng cấp hệ thống công nghệ sử dụng AI để gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
Về phía Tiki, sau khi báo cáo của iPrice công bố, lượng truy cập vào website của Tiki trong quý 3/2019 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Vòng gọi vốn gần nhất, Tiki đã huy động thành công 100 triệu USD. Trong số đó có 75 triệu USD từ North Star Group và các nhà đầu tư khác.
Có thể nói Tiki và Sendo đang là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp theo đúng nghĩa đen khi cả hai đều lựa chọn hoạt động ở thị trường nội địa. Mặc dù vẫn lỗ lớn nhưng giá trị của 2 trang TMĐT này đều tăng lên đáng kể qua mỗi vòng gọi vốn. Với việc huy động thêm 61 triệu USD cho 14,6% cổ phần thì định giá của Sendo đã lên đến 400 triệu USD.
Cả hai đang được giới chuyên môn đánh giá có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam, sau VNG. Và không chỉ Tiki và Sendo mà các “ông lớn” TMĐT Việt Nam đều được dốc vốn đầu tư với kỳ vọng tăng trưởng bùng nổ ở thị trường gần 100 triệu dân.
Mua hàng qua mạng. |
Theo ông Stephen Kuo, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Alibaba, Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển TMĐT như nền kinh tế phát triển, duy trì mức ổn định, dân số đông và cơ cấu dân số trẻ, khu vực DN vừa và nhỏ cũng tương đối lớn, đồng thời có thế mạnh phát triển nhiều mảng sản xuất đa dạng. Nếu vẫn duy trì mức độ tăng trưởng trung bình năm 25 - 30% như hiện nay, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đến năm 2025 sẽ đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.
Sách trắng TMĐT 2018 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành mới đây cho thấy, năm 2018, toàn ngành TMĐT Việt Nam đạt quy mô 8,06 tỷ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2017. Theo đó, 36% số DN tham gia khảo sát cho biết có bán hàng trên mạng xã hội (tăng 4% so với năm 2017). Đồng thời, tỷ lệ DN đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45% (tăng mạnh so với tỷ lệ 39% năm 2017), bán hàng qua website là 32% và qua ứng dụng di động là 22%.
Tuy nhiên, theo báo cáo về nền kinh tế số của Google, Temasek, ở Việt Nam, chỉ 1 trong 5 DN nhỏ và vừa có sự hiện diện trực tuyến. Đồ thị về lượng truy cập website của 4 sàn TMĐT hàng đầu từ quý III/2018 - III/2019 thể hiện ngoại trừ Sendo tăng đều lượng truy cập, còn lại hầu hết giảm dần theo quý. Shopee vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong quý III/2019 thì Tiki từ vị trí thứ hai của quý trước đã rơi xuống vị trí thứ ba, nhường cho Sendo; Lazada rơi từ vị trí thứ ba xuống vị trí thứ tư.
Theo các chuyên gia kinh tế số, một nguyên nhân quan trọng khiến DN nhỏ và vừa tại Việt Nam chưa “nhiệt tình” với kinh doanh TMĐT và các “ông lớn” chưa bùng nổ là do thiếu lòng tin của người tiêu dùng. Khảo sát 10 người mua hàng trên mạng có tới 5 người cho biết không hài lòng với phương thức mua bán trực tuyến. Do vậy, bên cạnh việc hoàn thiện những tồn tại để DN TMĐT phát triển thì xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng là yếu tố không thể thiếu.