Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và cơ hội của kinh tế Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Một chiến dịch khổng lồ đã được triển khai, để phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Kinh tế Việt Nam hi vọng những gì từ chiến dịch ấy ?

Đoàn Triều Tiên thăm nhà máy ôtô của Vinfast.

Việt Nam: Trung lập và tin cậy

Giáo sư Carl Thayer chuyên gia hàng đầu về Đông Á của Đại học New South Wales nhận xét, việc lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cho thấy lãnh đạo cả hai quốc gia này coi trọng vai trò của Việt Nam như là quốc gia trung lập, đáng tin cậy. Đây là giá trị lớn nhất về chính trị và ngoại giao mà Việt Nam đạt được từ sự đánh giá của thế giới. Xây dựng hình ảnh quốc gia như là một điểm đến của hòa bình quốc tế là điều Việt Nam tuyên bố, và đã được công nhận, qua sự kiện này.

Nhấn mạnh vào lựa chọn của Triều Tiên khi tổ chức cuộc gặp tại Việt Nam, giáo sư Carl Thayer đánh giá nhà lãnh đạo Kim Jong - Un muốn nêu thông điệp về việc Triều Tiên không bị cô lập. Và đã sẵn sàng cho việc học tập các kinh nghiệm thoát cô lập, phát triển kinh tế mà Việt Nam đã thu lượm được. Trong đó đặc biệt là kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế và đàm phán hiệp định thương mại tự do.

Ở một giác độ khác, chuyến thăm thực hiện bằng đường sắt, đường bộ từ Triều Tiên, qua Trung Quốc, tới Việt Nam, nhà lãnh đạo Kim Jong- Un muốn truyền tải thông điệp về sự đổi mới, kết nối sâu đậm hơn nữa về kinh tế, chính trị, ngoại giao với các nước có chung nền văn hóa với Triều Tiên. Thông điệp này được nhấn mạnh thêm tại Việt Nam, với việc đoàn Triều Tiên đã có cuộc thăm nhà máy ôtô Vinfast tại Hải Phòng, khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco, và vịnh Hạ Long.

Tại Việt Nam, sau hội nghị thượng đỉnh, nhà lãnh đạo Kim Jong - Un sẽ thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Ông Kim Jong Un sẽ đến thăm một số địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam. Trong đó, có Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông quân đội Viettel, để trao đổi kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và nghiên cứu sản xuất.

Theo nhà bình luận các vấn đề quốc tế Nguyễn Quang Khai  - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông – “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam và sự tin tưởng to lớn của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm có khả năng đóng góp vào hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới”. 

Trong số các lý do chọn Hà Nội làm địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh, đại sứ Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh vào việc Việt Nam được chọn như là hình mẫu về sự hoà giải giữa hai cựu thù mà cả Mỹ và Triều Tiên mong muốn hướng tới. Và việc “Việt Nam bị chiến tranh tàn phá nặng nề đã khôi phục lại đất nước và đạt nhiều thành tựu to lớn về kinh tế do đường lối cải cách và mở cửa. Chúng ta sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm với các bạn Triều Tiên trong công cuộc xây dựng kinh tế”.

Nhắc tới lý do này, Đại sứ Nguyễn Quang Khai dẫn lời của Tổng thống Donald Trump nói: "Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un sẽ trở thành cường quốc kinh tế vĩ đại. Triều Tiên sẽ trở thành một loại tên lửa khác - tên lửa kinh tế". 

Lợi ích ở thì tương lai

Ngoài những lợi ích về truyền tải thông điệp chính trị, ngoại giao, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, hội nghị thượng định Mỹ - Triều có giá trị tác động khá lớn tới phát triển kinh tế của Việt Nam. Dù không có nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá về lợi ích kinh tế mà Việt Nam có thể thu lượm được, từ cuộc gặp thượng đỉnh này. Nhưng, một quốc gia trung lập, được thế giới tin cậy, ổn định về chính trị, năng động về phát triển, có vị trí trong khu vực kinh tế sôi động nhất… là một địa chỉ vàng về đầu tư.   

Trả lời báo giới về tác động của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tới Việt Nam, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam đánh giá, Việt Nam vốn đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nay lại có được cơ hội truyền thông rất lớn từ hội nghị Mỹ - Triều Tiên. Do thế, với mức tăng trưởng GDP 7,1% trong năm 2018 và tăng trưởng khách du lịch quốc tế trung bình trong 5 năm qua đạt 15,3%, “Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận thêm đà phát triển chưa từng thấy trong năm 2019. Sự kiện này sẽ đem đến tác động tích cực cho nền kinh tế nói chung và các ngành từ công nghiệp sản xuất chế tạo đến du lịch” – lãnh đạo Savills nhấn mạnh.

Hội nghị Mỹ - Triều Tiên và chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong – Un tới các địa phương, doanh nghiệp của trong nước cũng đồng thời mở ra khả năng xác lập quan hệ kinh tế chính thức giữa Triều Tiên và Việt Nam. Trên thực tế, với quan hệ kinh tế sẵn có đang ngày một lớn hơn giữa Việt Nam – Hàn Quốc, việc chính thức xác lập kinh tế với Triều Tiên có thể tiếp tục nâng cao hơn nữa quan hệ kinh tế giữa ba quốc gia Hàn Quốc – Việt Nam – Triều Tiên. Bao gồm quan hệ về thương mại, công nghệ, nông nghiệp và tài nguyên, khoáng sản…

Cũng có thể nhắc tới một loạt hoạt động mà doanh nghiệp Việt đã thực hiện có liên quan tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Lớn nhất là hợp đồng trị giá tới 12,7 tỷ USD mà hãng hàng không Vietjet ký với hãng Boeing (Mỹ) mua 100 máy bay 737 MAX để trở thành hãng hàng không có đơn hàng B737 MAX lớn nhất tại châu Á. Và hợp đồng trị giá 5,3 tỷ USD cũng của Vietjet ký với General Electric (Mỹ) về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ LEAP-1B, cung cấp động cơ dự phòng và gói dịch vụ trang bị cho các đơn hàng máy bay mới và hiện đại mà Vietjet đã đặt hàng. Hay việc đoàn Triều Tiên tìm hiểu các mô hình doanh nghiệp, kinh nghiệm phát triển cũng mở ra cơ hội hợp tác với Vinfast, VinEco, Viettel, và cả các doanh nghiệp khác.

Tất nhiên, thực tế những hoạt động ấy mang ý nghĩa ngoại giao lớn hơn giá trị kinh tế thực sự. Vietjet sẽ cần thêm nhiều năm nữa để được tin cậy hơn về kết quả hoạt động. Tương tự, Vinfast mới trong giai đoạn đầu tiên để trở thành nòng cốt trong chiến lược xoay trục thành tập đoàn công nghệ của VinGroup. Và Viettel vẫn cần thêm thời gian để tự chủ hoàn toàn với nền tảng công nghệ viễn thông mà hãng đang vừa xây dựng, vừa khai thác.

Những điều đó cho thấy, bên cạnh giá trị về hình ảnh quốc gia, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đã mở ra các cơ hội thực sự về phát triển cho kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội phát triển kinh tế mới là là hi vọng đang dần được hiện thực, cả với Việt Nam, và cả với Triều Tiên.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top