Thực chất thành tích phát triển của TNI là gì? 

(khoahocdoisong.vn) - TNI Holdings Việt Nam là một trong những nhà phát triển và quản lý bất động sản khu công nghiệp (KCN) lớn nhất Việt Nam. Doanh nghiệp này là một trong những công ty trụ cột của TNG – tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, với quy mô có thể lên tới nhiều tỷ USD. 

Hiện, rất ít thành viên của TNG là công ty đại chúng. Đó có thể là một trong số nguyên nhân khiến số liệu thông tin về hoạt động của tập đoàn cũng thường khó có cơ sở kiểm chứng. TNI là một trong những điển hình đó.

Méo mó số liệu

Ngày 11/6/2020, Tri thức trẻ đăng bài viết có nội dung cho biết, Công ty CP Đầu tư TNI Holdings Việt Nam (TNI Holdings Vietnam - TNI) là nhà phát triển và quản lý bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.

Theo đó, TNI đang quản lý 11 KCN trên tổng diện tích hơn 2.000ha, với tỷ lệ lấp đầy bình quân luôn đạt 85%. Đồng thời, TNI cũng “đang tham gia đầu tư gần 500 dự án, các KCN do TNI Holdings Việt Nam phát triển và quản lý là nơi làm việc của hơn 300 nghìn lao động, tập trung vào các lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ lắp ráp, chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô, dệt, nhuộm và may mặc…

Trong đó, có gần 400 doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)… với tổng vốn đầu tư thu hút trên 3 tỷ USD.

Trong chiến lược phát triển 5 năm tới, đơn vị này tiếp tục đặt mục tiêu đầu tư, khai thác thêm 5 KCN mới tại các vị trí giao thương chiến lược với tổng quy mô lên tới gần 1.500ha” – bài báo của Tri thức trẻ nêu. Thông tin này sau đó được trang CafeF dẫn lại.

Tuy nhiên, hơn 1 năm trước đó, ngày 8/1/2019, Báo điện tử Dân trí đăng bài viết về việc TNI đã đoạt giải thưởng “Nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam – Sản phẩm Vàng – Dịch vụ vàng năm 2018” do Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam tổ chức bầu chọn.

Nội dung bài báo của Dân trí cho biết, “qua hơn 20 năm hoạt động, đến nay, TNI Holdings Việt Nam đang quản lý 11 KCN trên tổng diện tích hơn 2.000ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy bình quân luôn đạt 85% với trên 400 dự án tham gia đầu tư, các KCN do TNI Holdings Việt Nam phát triển và quản lý là nơi làm việc của hơn 300 nghìn lao động, tập trung vào các lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ lắp ráp, chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô, dệt, nhuộm và may mặc… Trong số này, có khoảng 300 doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)… với tổng vốn đầu tư thu hút trên 3 tỷ USD. Thương hiệu TNI Holdings Việt Nam đang dần trở thành cái tên quen thuộc đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Những đóng góp của TNI Holdings Việt Nam nhận được sự đánh giá cao từ các tổ chức nước ngoài như JETRO, KOTRA, EUROCHAM, INNOBIZ… Giải thưởng “Nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam – Sản phẩm vàng, dịch vụ vàng” được trao cho TNI Holdings Việt Nam chính là sự ghi nhận của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với quá trình đồng hành của đơn vị này”.

Thông tin từ hai bài báo cho thấy, thời điểm tháng 6/2020, số lượng dự án TNI “đang tham gia đầu tư” đã là gần 500 dự án. Tức đã tăng gần 100 dự án so với một năm rưỡi trước đó. Tuy nhiên, về số lượng nhân lực và tổng vốn đầu tư thu hút lần lượt vẫn giữ nguyên ở mức trên 300.000 lao động và trên 3 tỷ USD.

Nếu tin cậy vào các số liệu này, thì phải chăng một năm rưỡi qua gần 100 dự án đầu tư “tăng thêm” của TNI đều là những dự án “0 đồng, 0 lao động”?

Phối cảnh KCN Minh Quang tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên của tập đoàn TNG. Nguồn: website TNG

Phối cảnh KCN Minh Quang tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên của tập đoàn TNG. Nguồn: website TNG

Cho thuê hạ tầng hay tham gia đầu tư

Còn theo thông tin giới thiệu tại website của tập đoàn TNG, tính tới ngày 12/6/2020, “trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, TNI Holdings dưới sự quản lý điều hành của TNG đã đầu tư và phát triển 11 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích trên 2.600ha” - tức là giảm 600ha so với thông tin tại bài báo ngày 8/1/2019 của Báo điện tử Dân trí.

Trong khi đó, số lượng nhân lực và tổng vốn đầu tư thu hút vào các KCN do TNI “phát triển và quản lý” tiếp tục được giữ “ổn định” so với thông tin tại hai bài báo đã dẫn phía trên. Cụ thể là giữ ở mức trên 300.000 lao động và trên 3 tỷ USD.

Lưu ý là, thông tin tại website của TNG cho biết, các KCN do TNI đầu tư phát triển đã “thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước”, trong đó vốn FDI thu hút từ hơn 200 nhà đầu tư nước ngoài có giá trị hơn 3 tỷ USD. Tới bài báo ngày 8/1/2019 của báo điện tử Dân trí, các dự án KCN do TNI phát triển, quản lý có “trên 400 dự án tham gia đầu tư”.

Nhưng, tới bài báo trên Tri thức trẻ thì cho biết TNI “đang tham gia đầu tư gần 500” dự án. Nói cách khác, vị thế của TNI đang từ nhà cho thuê hạ tầng KCN đã được “chuyển hóa” thành nhà đầu tư “tham gia” tới gần 500 dự án.

Về chất lượng thông tin, dĩ nhiên công chúng cần lấy các thông tin tại website của TNG – công ty mẹ của TNI làm gốc. Tức là, thông tin TNI đang quản lý 11 KCN, thu hút hơn 200 dự án thứ cấp, trên 300.000 lao động và trên 3 tỷ USD vốn đầu tư mới là thông tin gốc.

Nhưng, về nguyên tắc, dù là bài chuyên môn hay bài báo PR, cả hai bài báo của Báo điện tử Dân trí và Tri thức trẻ đều có nguồn thông tin từ chính TNI, hoặc công ty mẹ là TNG. Và khi các thông tin tại hai bài báo này “lệch sóng” với thông tin tại chính website của TNG về TNI, cũng có nghĩa thông tin cung cấp cho các báo đã bị sai lệch.

Thực tế là, dù đã có vị thế nhà “phát triển, quản lý” KCN hàng đầu Việt Nam, thì chắc chắn TNG không có đủ tiềm lực “tham gia đầu tư gần 500 dự án”. Theo dõi của KH&ĐS cho biết, hiện số các doanh nghiệp được cho là liên quan tới hệ thống TNG vào khoảng trên dưới 150 công ty, nhiều trong số đó đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở quy mô tổng cộng hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư.

Nhưng với quy mô khổng lồ ấy, hiện mới chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp (TNS) thuộc TNG đã được niêm yết trên HOSE. Số lớn còn lại hiện vẫn rất mù mờ về thông tin đầu tư. Tất nhiên, điều đó có nghĩa TNG nên mở rộng hơn diện thông tin về tiềm năng và quy mô của tập đoàn này. Nhưng đặc biệt là thông tin đó nên chính xác hơn, cả về số lượng, cả về nội dung.

Nên nhớ, doanh nghiệp lớn luôn giữ uy tín như là giá trị cốt lõi nhất trong phát triển. Lẽ nào trung thực về thông tin không phải là giá trị cốt lõi của uy tín?

Theo Đời sống
Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh đã ký văn bản cấm Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Đại Cát (Công ty Đại Cát) bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 4 năm vì cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không trung thực.
back to top