Sau 8 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn có chuyển biến tích cực, nhưng số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.
Bộ Tư lệnh Thủ đô phun khử khuẩn quanh hồ Gươm. Ảnh: Phạm Hải |
Tính từ ngày 29/4/2021 đến chiều tối 31/7, Hà Nội đã ghi nhận 1.174 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (riêng từ ngày 5/7 đến nay là 915 bệnh nhân), trong đó 700 trường hợp tại cộng đồng và 474 trường hợp tại khu cách ly.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trước mắt, thời gian giãn cách là 15 ngày, tuỳ mức độ kiểm soát dịch thành phố sẽ quyết định có gia hạn hay không. Đây là giải pháp mạnh phù hợp với tình hình thực tế, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, còn có cơ quan, đơn vị, người dân có biểu hiện thực hiện chưa nghiêm. Người ra đường, đến nơi làm việc còn đông; còn có tình trạng đối phó, cố tình vi phạm. Một số nơi việc tổ chức triển khai chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm.
“Biện pháp đúng và trúng, nhưng thực hiện không nghiêm thì cũng làm giảm tác dụng. Nên trọng tâm bây giờ là phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội ở mọi nơi, mọi lúc. Chỉ có như vậy mới có điều kiện để khoanh vùng, bóc tách hết mầm bệnh còn tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng, chiến thắng Covid-19, trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhất”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19".
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị (bao gồm các đơn vị trực thuộc) chấp hành việc giãn cách xã hội và quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới đến làm việc trực tiếp tại công sở.
Chủ tịch Hà Nội cũng đã có yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17 đối với địa bàn có nguy cơ cao. Đây là thẩm quyền đã được thành phố phân cấp cụ thể.
Tránh “rào đường, rào phố” nhưng trong vẫn tiếp xúc đông người
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, việc Hà Nội thực hiện giãn cách toàn thành phố là rất đúng.
Song, dù đã thực hiện giãn cách được 8 ngày nhưng số ca mắc chưa thể thuyên giảm ngay được vì có các ca bệnh đã bị nhiễm từ trước. Bây giờ, Hà Nội xét nghiệm và phát hiện được các ca mắc vì thời gian ủ bệnh của vi rút SARS-CoV-2 là 14 ngày.
Người dân quay đầu xe khi gặp chốt cứng. Ảnh: Đoàn Bổng |
Ông Phu cho biết, thời gian qua, thông qua việc giám sát các trường hợp ho sốt, không cần yếu tố dịch tễ thì Hà Nội cũng đã phát hiện các ổ dịch trong cộng đồng và rải rác ở khắp các quận huyện. Ông nhận định, những trường hợp ho sốt này chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.
Ông đánh giá, mặc dù số ca mắc chưa thật cao như TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhưng diễn biến dịch ở Hà Nội vẫn phức tạp.
Về nhận định Hà Nội sẽ đối mặt với "kịch bản" nào khi thực hiện nốt 7 ngày giãn cách xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, có thể tới đây, Hà Nội sẽ lấy mẫu rộng hơn ở xung quanh các ổ dịch, lấy mẫu ở khu công nghiệp, các chợ trên địa bàn… để đánh giá nguy cơ. Kết hợp với việc từ nay đến hết ngày giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh diễn ra thực tế thế nào thì mới có thể quyết định tiếp được.
“Nguyên tắc có nới cũng nới từ từ, nới hoạt động nào, khu vực nào, chỗ có nguy cơ cao thì chưa nới”, ông Phu nói.
Ông cũng lưu ý Hà Nội thời gian này không được chủ quan, phải thực hiện giãn cách thật chặt thì dịch mới không bùng phát được.
“Giãn cách để ngăn chặn sự tiếp xúc với người bệnh, chúng ta phải tận dụng những cơ hội này. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp của chính quyền.
Còn giãn cách không nghiêm, rào đường, rào phố nhưng trong vẫn tiếp xúc đông người, vẫn đi lại thì dịch vẫn có thể bùng phát. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác”, PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ.
Để thực hiện Chỉ thị 17, các biện pháp siết chặt đảm bảo giãn cách được TP tăng cường, yêu cầu mẫu “giấy đi đường” chung áp dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn TP trong thời gian giãn cách xã hội.
Ngoài các chốt kiểm soát do lực lượng công an thiết lập, các quận, huyện cũng huy động lực lượng tại chỗ lập các chốt kiểm soát tại các khu vực vùng lõi, khu dân cư, khu vực phong tỏa, nhiều ca F0.
Điển hình, để hạn chế người dân và các phương tiện ra ngoài trong trường hợp không thực sự cần thiết, phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) đã dựng nhiều chốt chặn, trong đó có chốt chặn "cứng" bằng container, tường gạch...
Hiện nay, nhiều quận huyện đã áp dụng mô hình phát phiếu đi chợ cho người dân để giảm thiểu tối đa lượng người đến chợ, tránh tập trung đông người.
Xác định tiêm chủng là giải pháp hàng đầu để phòng, chống Covid-19, thành phố đã xây dựng phương án để sẵn sàng triển khai tổ chức 1.200 dây chuyền tiêm, 100 tổ cấp cứu.
Từ ngày 23/7 (ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc xin đợt 6, 7) cho đến nay, thành phố đã tiêm được trên 576.000 mũi tiêm. Ngoài đối tượng tuyến đầu chống dịch, người dân ở các khu vực nguy cơ cao, bà con dân tộc ở vùng sâu vùng xa...cũng đã được tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19.
TP Hà Nội cũng chủ trương trưng dụng 10 dự án nhà tái định cư (bao gồm cả khuôn viên xung quanh các tòa chung cư) để sử dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến.
Bên cạnh đó, được sự chấp thuận về chủ trương của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã giao Bệnh viện ĐH Y Hà Nội xây dựng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, quy mô khoảng 500 giường bệnh tại phường Tam Trinh (quận Hoàng Mai). Dự kiến bệnh viện sẽ được xây dựng trong khoảng 1 tháng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng cuối tháng 8.