Thiết bị Y tế Phương Đông: Doanh nghiệp hảo tâm không rõ địa chỉ, liên can thổi giá

(khoahocdoisong.vn) - Sau khi dính líu đến vụ án hình sự “thổi giá” gấp 3 lần hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động, gần đây Công ty Thiết bị Y tế Phương Đông thường xuyên tham gia các hoạt động như viện trợ, hỗ trợ... máy móc thiết bị y tế cho các tỉnh, thành, bệnh viện trên cả nước phục vụ chống dịch Covid-19.

Tài trợ, viện trợ, cho mượn vài chục tỷ đồng

Thực tế, trong vụ việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội), cơ quan công an xác định hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng để “thổi giá” từ khoảng 2,3 tỷ đồng lên trên 7 tỷ đồng mỗi máy.

Xác định các đối tượng cùng các doanh nghiệp đã câu kết, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án hình sự; khởi tố và bắt tạm giam 7 bị can có liên quan. Một trong các bị can của vụ án này chính là nhân viên của Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông (Công ty Phương Đông).

Mặt khác, một bản tin tại website của Công ty Phương Đông cũng đăng tải thông tin, doanh nghiệp đã nhập và cung cấp máy xét nghiệm Realtime PCR cho hàng loạt bệnh viện lớn và uy tín trong cả nước như Vinmec, Phổi T.Ư, Nhi T.Ư, Đa khoa Bắc Giang, CDC Quảng Ninh, CDC Hà Nội...

Dù vụ việc vẫn đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng, tuy nhiên gần đây Công ty Phương Đông đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hàng loạt các hoạt động viện trợ, hỗ trợ... các địa phương, bệnh viện trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Gần đây nhất là Tập đoàn SK Hàn Quốc viện trợ cho Hà Nội 10.000 bộ sinh phẩm phát hiện Covid-19 (SARS-CoV-2) trị giá 3,5 tỷ đồng. Như Báo KH&ĐS đã thông tin, để thực hiện được hoạt động viện trợ, Tập đoàn SK đã ủy quyền cho Công ty Phương Đông nhập lô hàng này. Website doanh nghiệp này đăng tải thông tin, Phương Đông đã nhập giúp cho Tập đoàn SK Hàn Quốc lô hàng viện trợ này mà không lấy phí uỷ thác nhập khẩu.

Cũng sau “lùm xùm” thổi giá tại CDC Hà Nội thì tại Hải Phòng, nhiều cơ quan báo chí thông tin, thành phố mua máy Realtime PCR để xét nghiệm bệnh Covid-19 với giá gần 10 tỷ đồng.

Bác bỏ thông tin trên, đại diện Sở Y tế TP Hải Phòng khẳng định bằng văn bản số 1108/SYT-KHĐT gửi Vụ Kế hoạch Tài Chính (Bộ Y tế): Hải Phòng chưa thực hiện việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Chiếc Máy xét nghiệm Realtime PCR mà Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đang sử dụng hiện tại là đi “mượn” của Công ty Phương Đông.

Tuy nhiên, điều làm dư luận băn khoăn là máy xét nghiệm Covid-19 tại Hải Phòng đã được đưa vào sử dụng từ 22/3, nhưng mãi đến 30/3 Sở Y tế mới có văn bản “mượn” máy để sử dụng.

Tại Quảng Ninh, liên quan tới việc đấu thầu hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR, thông tin ban đầu cho thấy hợp đồng được ký ngày 1/3 giữa Sở Y tế Quảng Ninh với nhà thầu là 8,4 tỷ đồng. Sau khi cơ quan điều tra Bộ Công an làm việc với Quảng Ninh, ngày 23/3 Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu giá giảm còn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, giá hệ thống này hiện chỉ còn 5,2 tỷ đồng, tức đã được giảm tiếp thêm 1,8 tỷ đồng so với phụ lục ngày 23/3.

Ngoài ra, website của Công ty Phương Đông còn thông tin doanh nghiệp này đã tiến hành trao tặng các kit xét nghiệm Covid-19 và cho mượn máy xét nghiệm tại các bệnh viện cơ sở y tế lớn. Như 2 máy xét nghiệm Realtime PCR CFX96 và 1.000 test xét nghiệm cho Bệnh viện nhi T.Ư, 2 máy xét nghiệm Realtime PCR CFX96 và 2.000 test xét nghiệm cho Bệnh viện Vinmec, 1 máy xét nghiệm Realtime PCR CFX96 và 2.000 test xét nghiệm cho Bệnh viện Bạch Mai, 1 máy xét nghiệm Realtime PCR CFX96 và 800 test xét nghiệm cho Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, 10.000 test xét nghiệm cho Cục Y tế dự phòng và sẵn sàng cho mượn 2 máy Realtime PCR CFX96 và 1 máy tách chiết chuẩn bị mẫu hoàn toàn tự động Microlab STARlet.

Tham gia hỗ trợ các hoạt động viện trợ hoặc trực tiếp cho các địa phương, bệnh viện mượn máy xét nghiệm Realtime PCR là lòng hảo tâm của Công ty Phương Đông, nhưng hoạt động này đồng thời đi kèm với việc doanh nghiệp này dính líu trực tiếp tới vụ án hình sự “thổi giá” hệ thống xét nghiệm Realtime PCR khiến dư luận đang đặt ra hàng loạt câu hỏi về động cơ của các hoạt động từ thiện do công ty tham gia.

Ngoài cổng địa chỉ số 20, ngõ 7, phố Thái Hà, Hà Nội hiện không treo biển hiệu của Công ty Phương Đông.

Ngoài cổng địa chỉ số 20, ngõ 7, phố Thái Hà, Hà Nội hiện không treo biển hiệu của Công ty Phương Đông.

Phương Đông có trụ sở chính ở đâu?

Tìm hiểu cho thấy, về pháp lý doanh nghiệp Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông được thành lập vào ngày 27/11/2000, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Xuân Thành, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 20, ngõ 7, phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế theo tìm hiểu của phóng viên KH&ĐS thì tại địa chỉ số 20, ngõ 7, phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội không thấy biển hiệu ghi Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông.

Ngoài cổng địa chỉ số 20, ngõ 7, Thái Hà chỉ có 02 biển hiệu của 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH BETADO và Chi nhánh Công ty CP COMICOLA và bên trong có một quán cà phê đang hoạt động.

Trên website của Công ty Phương Đông lại thể hiện trụ sở tại Hà Nội là Lô CN2, KĐTM Định Công, quận Hoàng Mai. Trong khi đó, nhiều văn bản pháp lý với các cơ quan chức năng Công ty Phương Đông luôn thể hiện trụ sở chính tại số 20, ngõ 7, phố Thái Hà.

Ngoài Công ty Phương Đông, tháng 12/2018, ông Thành (SN 1970) cùng vợ là bà Trần Hà An (SN 1974) góp vốn thành lập Công ty TNHH Xét nghiệm Y học Kỹ thuật cao với quy mô vốn 10 tỷ đồng, đăng ký trụ sở chính tại KĐTM Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai.

Bà Trần Hà An hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ Tràng An (Tràng An Serpro). Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 6/2007, tới cuối năm 2019 quy mô vốn của Tràng An Sepro đã được đăng ký nâng từ 43 tỷ đồng lên mức 50 tỷ đồng. Tràng An Serpro đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.

Theo Đời sống
back to top