Gạo Thái Lan cao nhất 6 tháng
Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan trong tuần này tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 6 nhờ xuất khẩu tăng và đồng baht mạnh hơn, trong khi giá gạo ở Ấn Độ giảm khiến các đơn đặt hàng tiếp tục tăng.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết ở mức 452-460 USD/tấn, tăng so với mức 425-457 USD của tuần trước.
Loại gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới - Ấn Độ - cũng tăng lên 374-380 USD/tấn, từ mức 373-378 USD của tuần trước, do nhu cầu cải thiện nhẹ, mặc dù nguồn cung tăng từ vụ mùa mới đã hạn chế đà tăng.
Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 448-453 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước, khi giá đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Cao su tăng
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng vào thứ Năm, theo xu hướng giá chứng khoán trên thị trường nội địa, do tâm lý nhà đầu tư được cải thiện bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn sau dự báo của chính phủ về chi tiêu kinh doanh tăng và tăng lương.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 của sàn Osaka kết thúc phiên tăng 1,4 yên, tương đương 0,6%, lên 225,0 yên ($1,71)/kg. Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản lúc đóng cửa tăng 0,46%.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 45 CNY xuống còn 12.695 CNY (1.819 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn giao tháng 1 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore được giao dịch lần ở mức 130,0 US cent/kg, giảm 1,5% so với phiên trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 23/12. Ảnh: (internet) |
Dầu giảm 1 USD/thùng
Giá dầu giảm khoảng 1 USD/thùng vào thứ Năm sau một phiên giao dịch đầy biến động do tác động của việc dự trữ dầu thô của Mỹ thắt chặt hơn dự kiến do cơn bão mùa đông ở Mỹ đã lấn át lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất và chính sách của Trung Quốc liên quan đến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng – có thể làm giảm nhu cầu.Giá dầu thô Brent kết thúc phiên ở mức 80,98 USD/thùng, giảm 1,22 USD, tương đương 1,5%; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) ở mức 77,49 USD, giảm 80 cent, tương đương 1% so với đóng cửa phiên liền trước.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở Trung Quốc, nước tiêu dùng lớn nhất thế giới, nhu cầu bị xói mòn và dữ liệu kinh tế vững chắc của Mỹ cho thấy lãi suất có thể duy trì tăng trong thời gian dài hơn dự kiến – có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) đã giảm 1% xuống 8.306,60 USD/tấn.
Vàng giảm hơn 1%
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua sau khi dữ liệu kinh tế của Mỹ cho thấy nền kinh tế của nước này phục hồi nhanh hơn ước tính trước đó, thúc đẩy đồng USD tăng và có khả năng giúp Fed tự tin hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Giá vàng giao ngay giảm 1,5% xuống còn 1.786,19 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2023 giảm 1,7% xuống 1.795,30 USD.
Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới vào tuần trước tăng ít hơn dự kiến, cho thấy thị trường lao động vẫn trong tình trạng thắt chặt, trong khi nền kinh tế quý 3/2022 phục hồi nhanh hơn so với ước tính trước đó.
Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của OANDA cho biết: “Vàng giảm giá khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi, điều này có thể cho phép Fed thắt chặt tiền tệ nhiều hơn so với những gì thị trường nhận định”.
Vàng giảm hơn 1%. |
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 0,45 cent, tương đương 0,3%, xuống 1,689 USD/lb, sau khi tăng lúc đầu phiên sớm với sự hỗ trợ từ đồng real Brazil mạnh lên.
Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục dao động trong ngày thứ Năm, do khối lượng giao dịch giảm khi nhiều người chuẩn bị đi nghỉ lễ.
Giá cà phê robusta giao tháng 3 ít thay đổi, ở mức 1.878 USD/tấn.
Quặng sắt tăng, thép hầu hết giảm
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng do kỳ vọng nhu cầu thép ở Trung Quốc năm 2023 được cải thiện khi Bắc Kinh tìm cách đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi dịch COVID bùng phát tại địa phương đang hạn chế hoạt động công nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 0,7% lên 817,5 nhân dân tệ (117,14 USD)/tấn. Tuy nhiên, lo ngại về tác động kinh tế sau đợt bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian tới đã gây áp lực lên giá quặng sắt trên sàn Singapore, khiến giá giảm 1,2% xuống 110,9 USD/tấn.