Thị trường bất động sản quý I/2020 chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2020. Dù thị trường gặp nhiều khó khăn do tác động bởi dịch bệnh khiến giao dịch giảm sút, nhưng theo ghi nhận của Bộ Xây dựng giá chung cư trên địa bàn Hà Nội và TPHCM lại không giảm, thậm chí tăng nhẹ.

Giá nhà tăng nhẹ

Bộ Xây dựng đánh giá, về tổng thể, dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, đến nay, thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường.

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2020 có 71 dự án với 25.734 căn hộ được Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Riêng tại Hà Nội có 15 dự án, với tổng số 9.414 căn nhà; trong đó có 8.878 căn hộ chung cư (bằng 420% cùng kỳ 2019; bằng 197% quý IV/2019); 536 căn nhà thấp tầng (bằng 83% cùng kỳ 2019; bằng 99% quý IV/2019).

Còn tại TPHCM có 10 dự án, với tổng số 2.816 căn nhà; trong đó có 2.736 căn hộ chung cư (bằng 81% cùng kỳ 2019; bằng 58% quý IV/2019); 80 căn nhà thấp tầng (bằng 33% cùng kỳ 2019; bằng 18% quý IV/2019).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở quý I/2020 hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước có xu hướng nguồn cung nhà ở giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019.

Tại Hà Nội, trong quý I/2020 số lượng nhà ở chung cư hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán tăng cao so với kỳ trước và cùng kỳ 2019 là do có lượng lớn sản phẩm từ các đại dự án của Vinhomes được công bố đủ điều kiện bán. Tuy nhiên trong dài hạn, thì nguồn cung về nhà ở có xu hướng suy giảm.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng chỉ ra thực tế, hiện nay nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.

Cùng với đó, giá bán nhà ở trên thị trường tăng so với cuối năm 2019. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại TPHCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.

Giao dịch sụt giảm

Bộ Xây dựng cho biết về lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến thời điểm tháng 4/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu. Các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp.

Trong 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% số lượng sàn đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.

Cụ thể, Bộ Xây dựng tổng hợp thông tin từ 34/63 UBND tỉnh, thành có báo cáo số liệu, trong quý I/2020 có 56 dự án phát triển nhà ở với 20.536 căn hộ được cấp phép; 997 dự án với 233.313 căn hộ đang triển khai xây dựng; 55 dự án với 18.061 căn hộ hoàn thành; đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng có: 5 dự án với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép; 48 dự án với 18.549 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng;

Lượng giao dịch bất động sản trên thị trường sụt giảm mạnh, trong quý chỉ có 13.042 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội và TPHCM lần lượt có 1.167 giao dịch thành công (bằng 38% quý IV/2019), 2.816 giao dịch thành công (bằng 55% quý IV/2019).

Về nguồn cung nhà ở, bao gồm số lượng chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền, trong quý I/2020 có 71 dự án với 25.734 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng tại Hà Nội có 15 dự án, với tổng số 9.414 căn nhà, tại TPHCM có 10 dự án, với tổng số 2.816 căn. Giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019.

Số lượng bất động sản được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định trong quý I/2020 gồm: Nhà ở là 7.264 căn; căn hộ du lịch là 1.666 căn; biệt thự du lịch là 0 căn; văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) là 0 căn. Cũng trong quý I/2020, có 32 dự án được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng, cụ thể: Nhà ở: 17.896 căn; căn hộ du lịch: 2.451 căn; biệt thự du lịch: 0 căn; văn phòng kết hợp lưu trú (officetel): 0 căn.

Thông cáo của Bộ Xây dựng dẫn số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tính đến 31/12/2019 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 521.822 tỷ đồng, tăng 12,82% so với năm 2018. Đến tháng 2/2020, dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 531.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng có xu hướng giảm. Tỷ trọng dư nợ bất động sản đối với toàn ngành cũng giảm.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường. Bộ Xây dựng khẳng định, hiện thị trường bất động sản chưa có biểu hiện của khủng hoảng trầm lắng, “đóng băng” hay phát triển nóng.

Theo Đời sống
Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh đã ký văn bản cấm Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Đại Cát (Công ty Đại Cát) bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 4 năm vì cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không trung thực.
back to top