Dù phải đối mặt nhiều thách thức, các nhà phân phối ô tô hứa hẹn có giao dịch sôi động giai đoạn cuối năm. Một trong những điểm sáng đó chính là sự gia nhập của loạt thương hiệu ô tô mới như Wuling, Haval, Skoda, Chery, Haima, BYD...
Thương hiệu xe Wuling
Sau khi ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh GM-SAIC-Wuling để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền thương hiệu ô tô điện mini tại Việt Nam vào tháng 1/2023, đến tháng 6 cùng năm, Công ty Cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) chính thức cho ra mắt sản phẩm đầu tiên mang tên Wuling Hongguang Mini EV. Đây là mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp 2020, 2021 và 2022.
Tại thị trường Việt Nam, Wuling Hongguang Mini EV có 2 tùy chọn phiên bản là Tiêu chuẩn và Nâng cao cùng giá công bố từ 239 đến 282 triệu đồng. Xe được trang bị mô-tơ điện, cho công suất tối đa 26,82 mã lực và mô-men xoắn cực đại 85 Nm. Đi theo xe còn có bộ sạc 1,5 kW, có thể sạc tại nhà. Với nguồn điện dân dụng 220 V, chỉ cần 6,5 đến 9 giờ, pin có thể sạc đầy, tùy loại.
Do hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu là phụ nữ nên bảng màu ngoại thất của xe Hongguang Mini EV đậm sự trẻ trung, tươi sáng, gồm: Xanh bơ, xanh bơ - nóc trắng, xanh bơ - nóc đen, hồng đào, hồng đào - nóc trắng, hồng đào nóc đen, vàng chanh, vàng chanh - nóc trắng, vàng chanh - nóc đen, xanh lưu ly, trắng thiên hương.
Nếu mở màn thành công với Hongguang Mini EV, nhiều khả năng TMT Motors tiếp tục đưa về nước dòng mini car Wuling Air EV vốn đã được giới thiệu tại các thị trường Indonesia và Thái Lan.
Hãng xe Haval
Haval là nhãn hiệu xe con, thuộc Công ty Great Wall Motor (GWM), một trong những thương hiệu sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc. Ngày 2/8, Haval đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam, mang đến mẫu xe H6.
Haval H6 thuộc thế hệ thứ ba, được đưa về nước theo diện nhập khẩu Thái Lan với một tùy chọn phiên bản HEV duy nhất cùng giá bán 1,096 tỷ đồng. Được định vị tại phân khúc CUV cỡ C, H6 sẽ tham gia cuộc chiến giành thị phần cùng loạt đối thủ như Mazda CX-5, Honda CR-V, Hyundai Tucson, KIA Sportage...
Xe sử dụng hệ truyền động hybrid, là sự kết hợp giữa máy xăng 1.5L và mô-tơ điện, cho tổng công suất 243 mã lực, mô-men xoắn 530 Nm. Cỗ máy lai trên H6 có mức tiêu thụ nhiên liệu vô cùng ấn tượng, chỉ 5,5 lít/100km, ghi nhận thấp nhất nhóm xe CUV cỡ C ở thời điểm hiện tại.
Skoda của TC Group
Theo kế hoạch, ngày 23/9, Skoda sẽ có màn ra mắt tại Việt Nam. Đây là thị trường Đông Nam Á đầu tiên, đóng vai trò cửa ngõ giúp Skoda từng bước thâm nhập khu vực. Để hiện thực hóa kế hoạch bước vào thị trường ô tô Việt Nam, thương hiệu xe hơi Séc bắt tay hợp tác với TC Motor - thuộc Tập đoàn Thành Công (TC Group) để phân phối sản phẩm.
Hai mẫu xe sẽ tiên phong trong việc tiếp cận khách hàng Việt là Skoda Kodiaq và Skoda Karoq. Bộ đôi này đều được nhập nguyên chiếc từ châu Âu, sau đó sẽ chuyển sang lắp ráp trong nước.
Hiện, Skoda gấp rút hoàn thành Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, thuộc Khu công nghiệp Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh để chuẩn bị cho sự kiện ra mắt thương hiệu và sản phẩm tại Việt Nam vào tháng 9. Dự án được TC Group đầu tư 100% vốn, trên nền diện tích 36,5 ha và cho công suất 120.000 xe/năm.
Tầm nhìn đến 2025, Skoda dự tính bán xe điện ở Việt Nam với các mẫu Enyaq iV và Enyaq Coupe iV.
Thương hiệu ô tô Haima
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến thương mại của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) diễn ra hồi đầu năm ở Việt Nam, Tập đoàn ô tô Haima và Công ty Cổ phần CarVivu Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác. Theo đó, CarVivu trở thành nhà nhập khẩu và phân phối ô tô Haima tại Việt Nam.
Theo nguồn tin, Haima với đại lý và xe đã sẵn sàng, rất có thể ra mắt người Việt ngay trong tháng 9. Trang chủ của Haima tại Việt Nam cũng công bố danh mục sản phẩm với 3 mẫu xe, gồm 7X, 7X-E và 8S. Trong đó, 7X và 7X-E thuộc phân khúc MPV, cạnh tranh Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz; Haima S8 thuộc nhóm CUV ngang cỡ CX-5 và CR-V.
BYD trở lại Việt Nam
BYD từng xuất hiện tại Việt Nam năm 2009, nhưng bất ngờ “biến mất”. Sau khi được tỷ phú Buffett rót tiền và chuyển từ xe xăng sang xe điện, tập đoàn BYD đã lớn mạnh hơn và hiện là nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, thứ hai toàn cầu, chỉ sau Tesla.
Trong năm nay, họ lên kế hoạch cho tham vọng soán ngôi "ông lớn" Tesla với "mục tiêu bắt đầu từ con số 3 triệu chiếc", Chủ tịch BYD Wang Chuanfu nhấn mạnh tại một hội nghị nhà đầu tư ở Hồng Kông (Trung Quốc) diễn ra hồi tháng trước.
Để thực hiện được tham vọng trên, BYD đặt ra mục tiêu tăng sản lượng gấp đôi so với năm ngoái, lên con số 3,6 triệu xe, bao gồm cả ô tô xuất khẩu. Đồng thời, mở rộng quy mô thị trường ra các khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ Latinh.
Tại Việt Nam, BYD đang vận hành một nhà máy lắp ráp thiết bị và linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Hồi tháng 5, đại diện BYD xác nhận với Bloomberg về kế hoạch sẽ sản xuất ô tô điện ở Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư cụ thể vẫn được giữ kín. Nhiều nguồn tin cho biết, có thể BYD gia nhập thị trường Việt Nam ngay trong năm 2023 với 2 mẫu xe mang tính bản lề là Destroyer 05 và Cruiser 05.
Cùng đó, một số thương hiệu ô tô Trung Quốc khác như Omoda hay Jaecoo cũng đang rục rịch cho kế hoạch ra mắt Việt Nam. Các hãng này chưa chốt lịch cụ thể nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ có màn "dạm ngõ" ngay trong năm nay.