Một thứ chính trị rất cao thâm
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Theo ông điểm đặc biệt nhất của tín ngưỡng này là gì?
Tín ngưỡng Hùng Vương là sự kết hợp yếu tố dân gian với yếu tố quốc gia. Thờ vua Hùng tức là từ thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia tộc, dòng họ mà phóng đại lên ở phạm vi quốc gia. Thời Hùng Vương dựng nước đã bắt đầu nảy sinh ý thức này, tuy nhiên phải trải qua 1000 năm Bắc thuộc, mất nước, rồi chúng ta giành lại quyền độc lập, xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền (sau thế kỷ X, XI) thì ý thức này mới thực sự được đúc kết, nâng cao hơn.
Điều đó giải thích vì sao mãi đến thời nhà Trần trong chính sử ta mới thấy nói đến Hùng Vương. Đời Lê mới xây dựng Ngọc phả Hùng vương và việc tế lễ vua Hùng mãi đến thời Nguyễn mới đi vào quy củ. Phải chăng đó là một thứ chính trị rất cao thâm của các bậc minh chủ, trí thức ngày xưa
Đằng sau tín ngưỡng này còn có ý nghĩa về chính trị?
Khi xuất hiện nhà nước thì có một nhu cầu thực sự là phải xây dựng một ý thức hệ làm bệ đỡ tinh thần cho sự tồn tại của nó. Thực ra không có gì là lý luận cao sâu cả mà các cụ đã gửi gắm vào các huyền thoại, câu chuyện về Mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng (đồng bào), về Quốc tổ, về con Rồng cháu Tiên…
Một nhà bác học phương Tây đã nói huyền thoại chính là triết học của người tiền sử, còn với ta đó là một minh triết, minh triết từ sự kết hợp hài hòa giữa tâm thức dân gian với ý thức hệ của quốc gia dân tộc.
Như vậy, mỗi huyền thoại, không đơn giản là một câu chuyện?
Tất cả huyền thoại về Thánh Gióng, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Chử Đồng Tử... thực ra là nhằm xây dựng một hệ ý thức, một ý thức về cội nguồn, xây dựng một biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia dân tộc, về chống ngoại xâm, về sức mạnh cộng đồng, về luân lý và lẽ sống của con người…Tại sao quốc gia lại có mẹ có cha?
Thông qua những câu chuyện đó các cụ muốn xây dựng một hệ ý thức rất thô sơ nhưng rất độc đáo: Chúng ta là con Lạc cháu Hồng, cùng chung Quốc tổ, cùng từ một bọc mà ra vì vậy phải đoàn kết. Đấy là một sự kết hợp hết sức độc đáo giữa cái tâm thức bình dân của người nông dân với một ý đồ rất rõ của người lãnh đạo và nhờ vậy mà nó vẫn tồn tại đến ngày nay.
Muốn phát huy được sự đoàn kết dân tộc thì không chỉ nói thế là được mà người lãnh đạo phải như thế nào, cán bộ, hệ thống chính quyền phải như thế nào. Chứ ông tham nhũng như thế, rồi hô hào nhân dân đoàn kết... thì làm sao mà làm được. Để cái yếu tố thống nhất và đoàn kết mà chúng ta đã xây dựng hàng nghìn năm nay phát huy được thì phải đặt trong một điều kiện xã hội như thế nào.
Lợi ích nhóm phá vỡ đoàn kết cộng đồng
Theo ông, điều gì tạo nên sức sống bền bỉ cho hệ ý thức đó?
Hệ ý thức đó đã tồn tại suốt cả nghìn năm, mà chẳng có lý luận, cũng chẳng ai rao giảng cả. Và người dân thực hiện điều đó như một tâm thức, một đạo lý, một tình cảm rất bình dị của bản thân mình. Và hệ ý thức này đã vượt qua mọi sự phân biệt triều đại và thời đại. Các triều đại thường là kế tiếp nhau, nhiều khi đối lập nhau, nhưng triều đại nào cũng vun đắp cho hệ tư tưởng này.
Dường như thời chúng ta không phát huy được sức mạnh này của dân tộc?
Đến nay chúng ta vẫn tiếp tục vun đắp cho nó, thậm chí hơi quá (cười) bằng cách nhà nước hoá các lễ hội. Tất nhiên không có nhà nước thì không có quan niệm giỗ tổ, nhưng ở đây cần phân biệt rõ vai trò của người dân đến đâu và nhà nước đến đâu. Không thể làm thay cộng đồng.
Đó là về mặt lễ, nhưng tôi muốn nói trong xã hội dường như cái ý thức dân tộc trong mỗi người Việt Nam hiện nay chưa được phát huy. Ta cứ nói tới tính cộng đồng của người Việt, nhưng thực ra bây giờ làm việc gì người ta cũng nghĩ tới quyền lợi của cá nhân. Mấy ai nghĩ lợi ích quốc gia là trên hết ?
Ta cứ nói nhiều đến cái tính cộng đồng ở Việt Nam, nhưng không phải lúc nào người Việt Nam cũng có tính cộng đồng đâu. Thường là khi một cộng đồng bị đe doạ thì nó sẽ cố kết lại để tạo nên sức mạnh. Lúc đó người ta không quan tâm nhiều đến xung đột nội bộ, mà quan tâm đến sức ép từ bên ngoài. Khi sức ép bên ngoài giảm đi, thì chỉ còn là vấn đề nội bộ. Sau mỗi cuộc chiến tranh thì đều như thế cả. Đó là quy luật.
Tại sao không thể rút ra kinh nghiệm từ những bài học lịch sử?
Ở đây có vấn đề quyền lợi. Nó làm cho cộng đồng bị chia rẽ do những xung đột, thường ở đây là những xung đột về lợi ích vật chất. Chúng ta nói nhiều đến lợi ích nhóm, tức là sự móc ngoặc của các công ty, các tổ chức kinh tế với hệ thống chính trị. Lợi ích nhóm thì ở nước nào cũng có, nhưng thường nó được giới hạn bởi sức mạnh của pháp luật nghiêm minh, còn nước ta thì không phải lúc nào cũng như vậy. Và chính điều đó phá vỡ đoàn kết của cộng đồng ghê gớm lắm.
Phát huy được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Liệu ta có thể nhân sự kiện được thế giới công nhận di sản này để nâng cao nhận thức của người dân về ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc?
Tất nhiên qua việc được UNESCO tôn vinh như thế này ta cần tuyên truyền để dân nhận thức rõ hơn về cái vốn di sản quý của mình. Nhưng nói người dân không nhận thức được điều này là không đúng đâu. Có thể họ không nhận thức một cách đầy đủ, không có lý luận sâu sắc... nhưng trong tâm thức, tình cảm với vua Hùng thì ai cũng có.
Bởi vì chính họ đã sáng tạo ra nó và giữ gìn gần nghìn năm rồi. Vấn đề là hiện nay chúng ta nhận thức và phát huy nó như thế nào để tạo nên sức mạnh trong việc xây dựng đất nước. Chứ không phải hàng năm giỗ tổ một lần rồi cúng bái dâng hương thật to, thật rầm rộ đâu.
Vậy là trong mỗi con người Việt Nam luôn có ý thức về cội nguồn, về đoàn kết dân tộc, chỉ có điều làm thế nào để phát huy được mà thôi?
Đúng vậy. Chúng ta đã xây dựng được một sự cố kết dân tộc, nhưng có phát huy được hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ý thức đó có triều đại phát huy được, tạo nên sự cố kết, tạo nên sức mạnh dân tộc. Thí dụ như thời Trần, Lê... hay thời chống Pháp, chống Mỹ chúng ta cũng phát huy được. Còn có khi này khi khác không phát huy được là do những nhân tố khác.
Chả lẽ cứ chiến tranh thì hào khí như thế, mà đến thời bình thì chia rẽ, không thể sống tử tế được với nhau hay sao?
Khổ thế đấy. Đánh nhau thì cùng chịu khổ nhưng đến khi thắng rồi thì anh hưởng giàu sang, người dân thì bị bần cùng. Làm sao một người dân không có tiền cho con đi học lại đoàn kết được với kẻ tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng? Phải như thời Trần vua tôi đều đồng lòng như vậy, những bậc vương giả vẫn sống kham khổ với người dân, như thế thì mới đoàn kết được.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!