Thái Nguyên: Sẽ chuẩn hóa cán bộ y tế thôn bản trong năm 2024

Tỉnh Thái Nguyên vừa giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện chuẩn hóa cán bộ y tế thôn bản theo quy định của Bộ Y tế ngay trong năm 2024.
Hiện Thái Nguyên có trên 2.000 nhân viên y tế thôn bản.

Hiện Thái Nguyên có trên 2.000 nhân viên y tế thôn bản.

Theo thống kê, đến nay tỉnh Thái Nguyên còn 276 cán bộ nhân viên y tế thôn bản chưa qua đào tạo đang làm việc tại các xóm, bản vùng cao, vùng miền núi thuộc các huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ...

Nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, mới đây tỉnh Thái Nguyên đã thông qua kế hoạch đào tạo nhân viên y tế thôn bản trong phạm vi toàn tỉnh.

Theo đó, 276 cán bộ nhân viên y tế thôn bản chưa qua đào tạo sẽ được tổ chức đào tạo trong thời gian 3 tháng tại Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, được trang bị kiến thức nền tảng cần thiết về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng đối với nhân viên y tế thôn bản: Sức khỏe cộng đồng; truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cứu, cấp cứu; sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn sử dụng thuốc thông thường và phát triển thuốc nam.

Mục tiêu tỉnh Thái Nguyên hướng tới là ngay trong năm 2024 hoàn thiện việc cung cấp nguồn nhân lực y tế thôn bản có đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm việc tại cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ngay từ tuyến cơ sở.

Từ năm 2025 và các năm tiếp theo, Thái Nguyên sẽ tiếp tục chủ động rà soát đối tượng nhân viên y tế thôn bản chưa qua đào tạo; căn cứ nhu cầu thực tế xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên Y tế thôn bản trên địa bàn; chủ động đăng ký với Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên và bố trí kinh phí đào tạo cho nhân viên y tế thôn bản trên địa bàn theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả các đối tượng nhân viên y tế thôn bản đã được đào tạo, đảm bảo các thôn, xóm, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động.

Được biết, hiện Thái Nguyên có trên 2.000 nhân viên y tế thôn bản; trong đó, số người hoạt động ở địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh chiếm khoảng 30% (tập trung chủ yếu ở 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao). Do trình độ dân trí thấp, đời sống người dân vùng cao còn nhiều khó khăn nên đội ngũ y tế thôn bản gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế, là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên đến nay, việc xây dựng đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn hầu hết là những người kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là mức phụ cấp ít ỏi, chưa tương xứng với công việc.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Từ năm 2012 đến năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh thực hiện duy trì Đề án phát triển y tế cơ sở đến năm 2020, trong đó mức hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế tổ dân phố hàng tháng là 0,15 mức lương tối thiểu. Như vậy đến năm 2020, đề án này đã kết thúc, vì vậy từ năm 2021 đến nay, đối với nhân viên y tế thôn bản vẫn thực hiện theo Nghị quyết số 75 của Thủ tướng Chính phủ không có gì thay đổi. Riêng đối với nhân viên y tế tổ dân phố được hưởng mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 07 năm 2019 của HĐND tỉnh Thái Nguyên mức hỗ trợ tối thiểu là 30 nghìn đồng/người/buổi làm việc và tối đa là 60 nghìn đồng, đến năm 2020 mức phụ cấp này đã được nâng lên mức tối thiểu là 50 nghìn đồng và tối đa là 100 nghìn đồng/người/buổi làm việc, căn cứ vào nhiệm vụ của tổ dân phố thôn xóm thì đồng chí Bí thư hoặc Tổ trưởng sẽ họp thống nhất các nhiệm vụ căn cứ vào nguồn quỹ được giao và các nguồn quỹ xã hội hóa trong nhiệm vụ này để chi trả".

Nhiều người lo ngại, với nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là mức phụ cấp ít ỏi, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản khó yên tâm công tác và gắn bó với công việc sẽ khiến người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận với quyền lợi được chăm sóc sức khỏe.

Theo Đời sống
back to top