Tết gắn với văn hóa nông nghiệp
Gần đây có người cho rằng cần thay đổi cách đón Tết sao cho phù hợp với lối sống hiện đại, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thậm chí còn có ý kiến nên bỏ Tết. Bỏ hay giữ là một vấn đề rất phức tạp, có liên quan tới văn hóa, truyền thống, không thể nói một vài câu là xong. Trước hết phải khẳng định Tết Nguyên đán gắn với nền văn hóa nông nghiệp.
Tết hay như các cụ gọi là tiết, tiết đoạn, tức là một nhịp điệu lao động, giống như cái chiếu nghỉ ở cầu thang, giúp người ta nghỉ ngơi, dưỡng sức, kiểm điểm lại cái cũ để chuẩn bị bước vào giai đoạn lao động mới. Tết còn là dịp gia đình đoàn tụ, sum họp, để hàng xóm láng giềng, bạn bè sang chúc Tết nhau, giao lưu tình cảm.
Vậy là không thể bỏ được?
Bác Hồ từng nói: Cái cũ mà tốt thì phải phát huy. Cái cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái cũ tuy còn tốt nhưng phiền phức thì phải cải tạo. Cái mới mà hợp thì áp dụng. Cái mới không hợp phải tránh.
Xã hội loài người phát triển theo hình xoáy trôn ốc đi lên, giai đoạn sau phát triển cao hơn giai đoạn trước. Cuộc sống có nhiều thay đổi, không chỉ đơn thuần là nông nghiệp nữa, mà thành xã hội công nghiệp, công nghệ thông tin phát triển… Xã hội thay đổi thì Tết cũng phải thay đổi.
Cụ thể phải thay đổi những gì, thưa ông?
Ví dụ như quan điểm tháng Giêng là tháng ăn chơi không còn phù hợp nữa. Với kinh tế nông nghiệp, Tết là thời điểm nông nhàn, cả năm làm lụng vất vả nên đây là lúc nghỉ ngơi, vui chơi.
Còn nay, công nghiệp thì không thể nghỉ dài ngày như thế được. Ngay cả việc vất vả chen chúc tàu xe để về quê dịp Tết cũng nên xem lại vì bây giờ công nghệ thông tin phát triển, người ta có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau hàng ngày. Những hủ tục như tụ tập nhậu nhẹt, ăn uống lu bù, đến nhà ai cũng mâm cao cỗ đầy cũng nên bỏ.
Nhưng cứ nói đến Tết là phải đầy đủ, thừa còn hơn thiếu. Đấy là phong tục, để mong một năm mới sung túc, đủ đầy?
Không có gì mãi mãi đúng. Ngay cả đến truyền thống cũng cần phải thay đổi. Cuộc sống công nghiệp, đi làm vất vả, được nghỉ mấy ngày Tết mà lại cứ bắt người trẻ ngày làm ba bữa cỗ cúng, ăn thì không ăn được, làm sao họ hào hứng.
Cái cần giữ là sự gắn bó mọi người trong gia đình, là sự biết ơn ông bà tổ tiên…Đấy là cái căn cốt cần phải giữ, còn hình thức như thế nào lại cần phải thay đổi để phù hợp với lối sống của hôm nay, sao cho thế hệ trẻ cũng thấy hứng thú. Tết là cần thiết, nhưng phải thay đổi cho phù hợp, làm sao cho vui vẻ, tình cảm là chính.
Con người phải qua những thang bậc phát triển. Lịch sử của nước ta có đặc điểm bỏ qua, lướt qua một số thời kỳ phát triển vì thế nên văn hóa bị đứt đoạn và chắp nối. Ví dụ như lướt qua giai đoạn chiếm hữu nô lệ. Chế độ nô lệ tàn ác thật, nhưng có đặc điểm là trên nói dưới phải nghe. Của mình là trên bảo dưới không nghe. Văn hóa Việt Nam là Quan có cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang.
Kinh tế quyết định xu hướng phát triển
Thực ra thì lâu nay nhiều nhà đã thay đổi, họ không ăn Tết mà đi chơi Tết?
Đó là học theo phương Tây. Đi chơi vui vẻ là tốt, nhưng con cái đi chơi, ông bà già ở nhà một mình lại buồn. Đâu phải cái gì của phương Tây cũng hay. Phương Đông có kiểu sống của phương Đông, đó là nặng về tình cảm.
Tôi có người quen ở bên Mỹ, cả năm ở nhà một mình, con cái đi suốt ngày, thuê cho mẹ người giúp việc, vật chất chả thiếu thứ gì nhưng bà bảo, còn hơn đi tù. Chúng ta đang sống ở giai đoạn cái tốt chưa biết là cái gì, chỉ học cái xấu. Cần phải thay đổi cái đầu, thay đổi lối sống, chứ không phải thay đổi cái áo cái quần, đang mặc quần dài thì xén đi mà coi là thay đổi.
Cái gì quyết định sự thay đổi, là kinh tế hay văn hóa, thưa ông?
Mọi cái quyết định từ kinh tế. Kinh tế quyết định xu hướng phát triển. Kinh tế là gốc. Nước ta kinh tế nông nghiệp nên có nền văn hóa tiểu nông, cả nghìn năm nay rồi, mỗi anh sống với mảnh ruộng con con, đói thì có đói, nhưng ra nhặt nhạnh con ốc con cua cũng đủ. Người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo, nhưng chỉ những cái lặt vặt thôi chứ không có những sáng tạo lớn. Kiểu tư duy của người làm nông nghiệp là tùy tiện, chín bỏ làm mười.
Nếu đấy là bản sắc rồi, thì làm sao thay đổi được?
Bản sắc có cái hay nhưng ta mới hiểu một nửa. Chữ mộc là cái cây, cắt thân cây ra thì thấy những đường vân, mỗi năm là 1 đường vân, đấy là bản. Còn sắc là màu sắc cái cây này có tốt tươi hay không. Bản không thể thay đổi được. Nhưng sắc thì có thể làm cho nó tốt tươi hơn.
Truyền thống có cái hay có cái dở, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói như thế. Cái gì dở thì phải thay đổi. Như truyền thống hiếu học của ta chẳng hạn, rất chịu khó học, nhưng học để ra làm quan, để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn…nên nhiều khi học không đến nơi đến chốn.
Tiêu chí để đánh giá một xã hội chính là sản xuất. Phong kiến bóc lột bằng địa tô, anh muốn làm gì thì làm tôi chỉ cần thu đủ, mất mùa, chết đói anh cũng phải nộp đủ. Thế mới tạo nên bản chất cứ hở ra là đút túi. Chứ không như tư bản bóc lột bằng giá trị thặng dư, áp dụng công nghệ để làm ra thật nhiều của cải, nhà tư bản cũng có lợi mà công nhân cũng được trả lương cao.
Đi đúng đường là do văn hóa
Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, có ý kiến chất vấn bộ trưởng bộ Văn hóa về sự xuống cấp của văn hóa, theo ông, có phải lỗi tại ngành văn hóa không?
Không thể đổ hết cho văn hóa được mà lỗi là ở kinh tế.. Đúng là ngành văn hóa có tội khi hứng lên đi làm mô hình king kong ở Bờ Hồ. Phát triển kinh tế là cần, nhưng phải bền vững chứ không thể phát triển bằng mọi giá, đến mức khai thác cạn kiệt tài nguyên, gây hại đến môi trường hay chất thêm gánh nặng nợ nần.
Phát triển kinh tế là để làm người, để sống cho tử tế chứ không phải thành quỷ. Như vừa rồi, xảy ra va chạm thì chỉ lo hỏng xe, chứ không quan tâm đến người ta có bị sao không, đấy là quỷ chứ không phải người. Ngay ở các nước phát triển, cũng đang gặp rất nhiều vấn đề về văn hóa, con người ta cô đơn đến mức phải tự tử thì thật đáng sợ.
Vậy là do ta quá tập trung vào phát triển kinh tế mà coi nhẹ văn hóa?
Như ta đã nói, kinh tế quyết định văn hóa. Văn hóa không phải là gốc, chỉ là kim chỉ nam, nó nắn anh đi theo hướng nào. Vì thế đi đúng đường hay không là do văn hóa. Văn hóa rất quan trọng. Trang Tử đã nói, đạo chỉ một còn đường thì nhiều. Phát triển cũng giống như lội qua suối vậy, đặt chân lên hòn đá này, thấy chắc chắn thì bước lên, cứ thế mà đi.
Làm thế nào để phát huy tính chất là kim chỉ nam của văn hóa, thưa ông?
Trên núi Bài Thơ ở Quảng Ninh có bài thơ của Lê Thánh Tông viết năm 1468, trong đó có câu: Chính thị tu văn yển vũ niên, tức là phải tăng việc văn, giảm việc võ. Muốn thay đổi phải thay đổi cái đầu, phải thay đổi phương thức sản xuất. Xã hội mới là phát triển sản xuất, làm sao làm ra sản phẩm nhiều, chất lượng thật. Cái cần giữ là gắn kết với nhau để lao động. Tết phải thay đổi sinh hoạt, làm sao cộng đồng gắn bó phù hợp.
Xin cảm ơn và chúc ông một năm mới nhiều niềm vui!