Tăng đề kháng cho trẻ trong phòng chống dịch Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Số trẻ em mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch này đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Có khoảng 5% tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0 - 5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Để tăng sức để kháng cho con trong mùa dịch, phụ huynh cần biết cách bổ sung các chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch.

Mặc dù chưa có một biện pháp điều trị chủ động nào chữa khỏi Covid-19, nhưng các biện pháp phòng ngừa quan trọng như cân bằng thể chất, vệ sinh đúng cách, giữ khoảng cách an toàn có thể bảo vệ bạn và con trẻ khỏi lây nhiễm virus.

Hệ miễn dịch chia làm 2 loại: Miễn dịch bẩm sinh (không đặc hiệu) nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của vi sinh vật vào mô. Các thành phần hệ miễn dịch bẩm sinh bao gồm da, niêm mạc, chất tiết bề mặt, đại thực bào, bạch cầu trung tính, cytokine… Miễn dịch thu được (đặc hiệu) sau khi cơ thể tiếp xúc vi khuẩn, virus, cơ thể sẽ có khả năng ghi nhớ và nhận biết tác nhân gây bệnh này. Nhờ vậy mà cơ thể có khả năng tấn công nhanh và hiệu quả hơn khi gặp lại tác nhân gây bệnh đó.

Bảng nhu cầu khoáng chất của trẻ.

Bảng nhu cầu khoáng chất của trẻ.

Vitamin D: Là một trong những cầu nối quan trọng của 2 hệ miễn dịch này nó có cả đặc tính chống viêm và điều hòa miễn dịch, và rất quan trọng để kích hoạt hệ thống phòng thủ của hệ thống miễn dịch. Vitamin D được biết là có tác dụng tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào T và đại thực bào, bảo vệ cơ thể bạn chống lại các tác nhân gây bệnh

Có nhiều nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, và có thể tăng cường cơn bão cytokine – một tình trạng nghiêm trọng xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Trong giai đoạn giãn cách, việc "tắm nắng" gần như là bất khả thi. Vậy nên đừng quên bổ sung vitamin D cho con trẻ.

Vitamin C: Cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động, là chất chống oxy hóa mạnh, đóng vai trò bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của vi sinh vật. Có một số báo cáo cho thấy tình trạng lâm sàng được cải thiện sau khi điều trị bằng vitamin C tĩnh mạch, chủ yếu là giảm thời gian thở máy và thời gian nằm viện hoặc hồi phục triệu chứng sớm hơn. Đối với bổ sung vitamin C đường uống tác dụng này có vẻ rất nhỏ và còn nhiều tranh cãi. Cơ thể chúng ta không tự sản xuất được vitamin C mà phải lấy vitamin C trực tiếp từ thức ăn bên ngoài. Do đó, việc bổ sung vitamin C tốt nhất là từ các loại trái cây rau quả tươi (cam, bưởi, táo…).

Kẽm: Giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào. Kẽm đã được chứng minh là có tác dụng đáng kể trong bệnh nhiễm trùng do virus thông qua điều chỉnh sự xâm nhập, sao chép và giải phóng virus bao gồm cả những virus liên quan đến bệnh lý hô hấp. Do đó, kẽm được coi là phương pháp điều trị hỗ trợ tiềm năng trong điều trị nhiễm Covid-19. Kẽm có nhiều trong thịt (đặc biệt là thịt đỏ), cây họ đậu, các loại hạt, sữa, trứng...

Selen: Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, selen có trong thành phần nhiều loại protein và trong quá trình sinh tổng hợp protein, đặc biệt là các globulin miễn dịch. Khi cơ thể thiếu selen có thể làm tăng nguy cơ các bệnh ở cơ vân và cơ tim, tăng các biến chứng trong các bệnh tim mạch, giảm khả năng miễn dịch do vậy mà tăng nguy cơ hoặc làm nặng thêm tình trạng nhiễm nhiễm trùng. Khả năng oxy hóa của selen giúp cho nó có thêm đặc tính kháng virus. Mặt khác selen làm giảm sự hình thành huyết khối trong mạch máu – một nguyên nhân gây tử vong đáng kể ở bệnh nhân Covid-19. Selen có nhiều trong các loại cá (đặc biệt là cá biển), nấm, sò điệp, hạt hướng dương...

Tuy nhiên, đừng quên rằng biện pháp phòng ngừa nhiễm Covid-19 hiệu quả nhất chính là tuân thủ 5K. Vậy nên hãy thực hiện đúng vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

ThS.BS Nguyễn Hoài Nam (Khoa Nhi - Tim mạch và Khớp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top