Giảm căng thẳng, tăng trao đổi chất
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105 cho biết, các nghiên cứu đã chứng minh việc tắm nước lạnh mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện tuần hoàn (nước lạnh làm cho máu di chuyển đến các cơ quan để giữ ấm. Khi có sự lưu thông máu tốt sẽ giúp giữ cho trái tim khỏe mạnh); giảm căng thẳng và trầm cảm (nước lạnh giúp kích thích điểm màu xanh của não là nguồn chính của noradrenaline, một chất giúp giảm nhẹ trầm cảm và căng thẳng). Ngoài ra, việc tắm nước lạnh còn giúp ích tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng năng lượng, giúp giảm cân, làm đẹp da…
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cũng đồng quan điểm khi cho rằng, tắm nước lạnh đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên, không chỉ nước lạnh đem lại lợi ích cho cơ thể, nước nóng cũng có những ưu điểm riêng của nó.
Ví dụ, khi tắm bằng nước lạnh, não bộ sẽ được kích hoạt, cơ thể tràn đầy sinh lực và năng lượng; nhưng nước nóng lại giúp xua tan mệt mỏi. Tương tự, tắm nước lạnh giúp bạn đốt cháy nhiều calo, chất béo từ đó có tác dụng trong việc giảm cân; tuy nhiên, nước nóng lại rất tốt cho việc làm sạch cơ thể vì nhiệt độ ấm sẽ tiêu diệt các loại vi khuẩn, bụi bẩn mà bạn tiếp xúc trong cả ngày.
Một ví dụ nữa, nước lạnh có thể tăng nồng độ beta-endorphin và noradrenaline trong máu và não, có tác dụng cải thiện tâm trạng, chống trầm cảm; tuy nhiên, nước nóng lại có tác dụng tuyệt vời trong việc đẩy lùi chứng mất ngủ và các chứng rối loạn về giấc ngủ.
BS Hoàng Xuân Đại: Nước lạnh đúng là có tác dụng cải thiện tâm trạng, chống căng thẳng và trầm cảm. Tuy nhiên, bạn cần phải tham khảo ý kiến bác sỹ chứ không thể tự tiện coi đấy là một liệu pháp duy nhất để điều trị chứng thường xuyên căng thẳng và trầm cảm.
Ấm chứ không lạnh
Theo BS Hoàng Xuân Đại, tùy điện kiện thời tiết để quyết định tắm nước nóng hay lạnh, chứ không nhất thiết phải chọn nước lạnh bởi nóng hay lạnh đều có những tác dụng của chúng. Vào mùa đông, tốt nhất là nên tắm bằng nước nóng. Nóng ở đây không có nghĩa là nước nóng bỏng tay mà đúng hơn là nước ấm.
Nhiều người tham tắm nước nóng “già” là rất sai lầm bởi, nước quá nóng sẽ khiến da bị mất đi độ ẩm nhất định, dễ gây kích ứng, khô nẻ, thậm chí thường xuyên tắm lâu trong nước nóng không chỉ khiến da mà cơ thể cũng mất nước, gây mệt mỏi.
Theo đó, nước tắm nên pha với tỉ lệ là 2 lạnh, 1 nóng là vừa đủ. Khi tắm không nên dội nước nóng ào ào hoặc dội thẳng nước từ đầu xuống chân chân, hãy bắt đầu tắm bằng cách xối nước vào hai chân, hai tay rồi mới đến toàn bộ cơ thể để cơ thể từ từ thích nghi.
Khi tắm xong, bạn nên dùng khăn bông mềm thấm khô da. Ngoài ra, vào mùa đông, mỗi lần tắm cũng không nên kéo dài, chỉ 7- 10 phút là thời gian vừa đủ, tránh cho cơ thể không bị quá lạnh, da không bị khô, mất nước.
Trong trường hợp, vào mùa đông lạnh giá, với cơ thể khỏe mạnh vẫn lựa chọn tắm nước lạnh, bạn nên có những khởi động cơ thể trước khi tắm để tránh lạnh đột ngột, tránh tình trạng co mạch, ngoài ra cũng nên tắm từng bộ phận như xối nước vào hai chân, hai tay rồi mới toàn bộ cơ thể... để cơ thể có thời gian thích nghi.
Tốt nhất vào mùa đông, dù tắm nước lạnh cũng nên hòa thêm một chút nước nóng vào nước lạnh để giảm bớt cảm giác giá lạnh, đảm bảo cho sức khỏe. Ngoài ra, những người có tiền sử cao huyết áp, sức khỏe yếu, viêm phế quản mạn tính, viêm phổi, đang mang thai, sau khi sinh... không nên tắm nước lạnh dù bất kể là vào mùa nào trong năm.