Chồng chéo quản lý chất lượng khí thải phương tiện giao thông?
Tại Khoản 3 Điều 92 Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có bổ sung quy định về Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải.
Cụ thể, tại khoản 2 điều 67 dự thảo luật đã quy định rõ: “Phương tiện, thiết bị giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”.
Nhưng quy định này hiện đang gây lo ngại về sự chồng chéo giữa hai cơ quan là Bộ TN&MT và Bộ Giao thông vận tải trong quản lý khí thải giao thông.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), Bộ TN&MT đã thực hiện chủ trì xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho các ngành/lĩnh vực theo đúng quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Bảo vệ môi trường 2014. Bộ Giao thông Vận tải vẫn kiểm định, quản lý chất lượng khí thải của phương tiện giao thông thông qua hoạt động các cơ quan đăng kiểm theo Quy chuẩn mà Bộ TN&MT ban hành.
Tình trạng khẩn cấp khi không khí ô nhiễm nghiêm trọng
Đồng thời với các định quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện giao thông, dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.
Cụ thể, các địa phương phải thực hiện các công việc cụ thể như: Đánh giá chất lượng không khí; Xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; Đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng không khí bao gồm quan trắc chất lượng không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra; Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; Phân tích, nhận định các nguyên nhân gây ô nhiễm không khívấn đề còn tồn tại; Xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.
Khi chất lượng không khí ở mức rất xấu hoặc nguy hại theo thang tính AQI, chủ tịch UBND các tỉnh, thành sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và ban hành biện pháp khẩn cấp để khắc phục ô nhiễm. Phương án cụ thể sẽ do chủ tịch UBND các tỉnh, thành quy định tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương.
Theo ông Lê Hoài Nam, theo kinh nghiệm từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhà chức trách sẽ áp dụng đồng thời có chọn lọc nhiều phương án như yêu cầu các cơ sở công nghiệp xi măng, nhiệt điện tạm dừng sản xuất; hạn chế hoặc cấm các phương tiện giao thông trong phương tiện trong nội đô; rửa đường phun nước đối với các công trình xây dựng; điều chỉnh thời gian làm việc, đi học của người dân…
Thang đo giá trị ô nhiễm không khí AQI bao gồm:
0-50
Tốt
Chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe
XANH
51-100
Trung bình
Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch...) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.
VÀNG
101-150
Kém
Những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.
DA CAM
151-200
Xấu
Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
ĐỎ
201-300
Rất xấu
Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.
TÍM
301
Nguy hại
Cảnh báo hưởng tới sức khỏe: mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.
NÂU