PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Khoa học Vật liệu, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc đeo khẩu trang là cần thiết để phòng tránh dịch bệnh, đặc biệt là ở những nơi có nguồn không khí ô nhiễm do sản xuất hoặc sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách thì khẩu trang rất dễ biến thành ổ vi khuẩn. Loại khẩu trang sử dụng giấy vệ sinh để làm lớp lót ở giữa, khả năng gây ra dị ứng là rất cao. Khẩu trang đúng chuẩn phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí, đặc biệt là khẩu trang y tế.
Khẩu trang y tế đúng chuẩn bắt buộc phải có 3 lớp. Lớp ở giữa nếu dùng tay kéo thật mạnh mà không rách là khẩu trang tốt, được làm bằng vải kháng khuẩn hoặc giấy kháng khuẩn. Còn khẩu trang kém chất lượng, lớp ở giữa bị rách ngay khi kéo thì lớp đó là giấy vệ sinh hay lớp giấy rẻ tiền không có tác dụng diệt khuẩn. Tốt nhất là không ham rẻ, chỉ mua khẩu trang của các cơ sở uy tín. Do đặc tính và khả năng phòng bệnh của từng loại khẩu trang khác nhau, nên việc sử dụng khẩu trang trong phòng bệnh cũng phải phù hợp. Khẩu trang y tế giúp bảo vệ người lành, ngăn ngừa các bệnh lây truyền trực tiếp qua không khí. Nên nhớ là khẩu trang này làm bằng vải không dệt nên chỉ dùng được một lần, nếu giặt đi dùng lại thì các sợi vải bị xô lệch nên chúng sẽ không còn tác dụng phòng bệnh. Nếu khẩu trang có các dấu hiệu bất thường như mùi khó chịu, lớp vải quá mỏng, nhăn nhúm, xô lệch… thì không nên dùng.
Khi sử dụng, không bỏ khẩu trang vào túi sau khi sử dụng rồi lại tiếp tục dùng lại, không giặt khẩu trang y tế, không lột khẩu trang y tế để dùng lại. Sử dụng loại khẩu trang đúng chuẩn. Nếu có nhu cầu sử dụng khẩu trang than hoạt tính hay khẩu trang diệt khuẩn thì phải thay lõi theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Phong Lâm