Sử dụng hóa đơn điện tử: Lợi ích thấy rõ vẫn nơm nớp lo...

Hóa đơn điện tử sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong kê khai, nộp thuế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích thấy rõ thì doanh nghiệp vẫn nghi ngại về mức độ bảo mật thông tin dữ liệu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, hóa đơn điện tử (HĐĐT) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại. HĐĐT là một phần của chuyển đổi số nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế.

Thúc đẩy kinh tế số

Ngày 21/11 vừa qua, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị công bố triển khai HĐĐT. Tại Hội nghị này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trước mắt HĐĐT sẽ triển khai tại 6 địa phương, gồm Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định và Phú Thọ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, triển khai HĐĐT là bước đi đột phá của ngành tài chính giai đoạn 2021 - 2022. Việc áp dụng HĐĐT có ý nghĩa rất quan trọng cho quản lý thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp. Bởi khi thực hiện HĐĐT, doanh nghiệp có thể đối chiếu, kiểm tra một cách chính xác nhất số thuế mà mình phải nộp và HĐĐT phát hành, tiết giảm chi phí in ấn, bảo quản, lưu giữ hóa đơn của các doanh nghiệp.

Thực vậy, chị Nguyễn Thị An, kế toán tại một công ty thực phẩm tại TPHCM cho biết, HĐĐT giúp doanh nghiệp linh động trong quá trình thanh toán khi giao, nhận hàng.

“Tuy giá thành của HĐĐT cũng tương đương với hóa đơn giấy, nhưng HĐĐT tạo thuận lợi nhanh hơn cho doanh nghiệp. Điển hình như chữ ký điện tử của HĐĐT giúp doanh nghiệp có thể giải quyết được hóa đơn ngay cả khi lãnh đạo đi công tác”, chị An cho hay.

Không những giải quyết được nhu cầu cấp bách khi lãnh đạo công tác xa, HĐĐT còn giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian cấp hóa đơn cho khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Liễu đây phải mất thời gian qua lại, thì nay chỉ cần vài giây là có thể xuất hóa đơn cho khách hàng. Doanh nghiệp không phải mất chi phí, lưu giữ, in ấn, chuyển phát nhanh hóa đơn giấy.

Chưa kể, HĐĐT cũng giúp doanh nghiệp thuận lợi trong di chuyển, lưu thông hàng hoá. Khi mở tờ khai hải quan, công ty ngay lập tức có HĐĐT, cùng với đó là giấy đi đường.

Doanh nghiệp lo dữ liệu

Tuy lợi ích thấy rõ, nhưng doanh nghiệp vẫn cần đến “cây gậy và củ cà rốt” thì mới chuyển sang HĐĐT.

Chị An cho biết, công ty chị ở TPHCM là chi nhánh, công ty mẹ ở Hà Nội. Việc doanh nghiệp này triển khai HĐĐT là do công ty mẹ quyết. Tuy nhiên, khi chi nhánh của chị có vấn đề trong việc điền thông tin hóa đơn, thì chi nhánh của bên cung cấp tại TPHCM không thể khắc phục được ngay. “Lần đấy chị phải chờ cả tuần để có thể xuất được hóa đơn”, chị An nói.

Đấy là chưa kể, việc sử dụng bên thứ 3 để xuất hóa đơn thuế cũng khiến doanh nghiệp nghi ngại về mức độ bảo mật thông tin dữ liệu doanh nghiệp.

Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát hành hóa đơn sẽ ghi nhận thông tin hóa đơn và chuyển về cho cơ quan thuế. Nhưng đồng thời, doanh nghiệp này cũng có quyền được lưu trữ thông tin này. Thậm chí, theo luật thuế, doanh nghiệp này phải lưu thông tin thuế trong 10 năm.

Như vậy, nếu trong trường hợp thông tin doanh nghiệp bị rò rỉ, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Lưu ý, theo danh sách các tổ chức đủ điều kiện ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử được Tổng cục Thuế công bố, có khoảng 800 tổ chức đang cung cấp giải pháp HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC. Tuy nhiên, bao nhiêu doanh nghiệp trong số 800 này đủ năng lực kỹ thuật, hạ tầng để đảm bảo tính an toàn doanh nghiệp vẫn còn là điều cần khảo sát.

Trong lâu dài, việc cung cấp dịch vụ này sẽ hình thành thị trường. Đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ muốn tham dự vào thị trường này và họ sẽ cạnh tranh bằng giá cả để phù hợp với đặc điểm phần lớn doanh nghiệp hiện tại là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tất nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Tổng cục Thuế chỉ lựa chọn và ký kết hợp đồng với 20 đơn vị đủ năng lực.

Bên cạnh những lợi ích nhìn thấy rõ thì trong thực tế, không nhiều doanh nghiệp có đủ kiến thức về kỹ thuật để kiểm chứng các tiêu chí về hệ thống, thiết bị, năng lực của nhân sự kỹ thuật, khả năng sao lưu và khôi phục dữ liệu… Trong quá trình sử dụng, không ít doanh nghiệp gặp phải trục trặc như hóa đơn di chuyển không đúng địa chỉ, hệ thống cấp hóa đơn bị lỗi… Để hạn chế điều này, doanh nghiệp cần hợp tác với các đơn vị cung cấp có cẩm nang sử dụng phần mềm để có thể xử lý khi có trục trặc.

Theo Đời sống
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
back to top