Theo đó, UBND tỉnh Sơn La giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai. Tham mưu việc cấp giấy phép và giám sát chặt chẽ việc xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan; chủ trì xây dựng Đề cương tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ nguồn nước tại công trình thủy lợi.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, gồm: Hiện trạng chất lượng nước; tình hình vi phạm, xử lý vi phạm về xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi; tình hình cấp phép, thực hiện giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sơn La lên kế hoạch bảo vệ chất lượng nước các công trình thủy lợi |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Sơn La cũng giao UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân, đơn vị khai thác công trình thủy lợi xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương, đơn vị trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi thuộc địa phương mình quản lý.
Mặt khác, Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi; các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý khai thác công trình thực hiện thông tin, truyền thông điểm, định kỳ về thực trạng chất lượng nước, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm. Công khai hóa các thông tin, dữ liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm và các tổ chức, cá nhân có nguồn xả thải vào công trình thủy lợi mà có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết cùng tham gia giám sát.
Đồng thời tổ chức quan trắc, giám sát chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được giao quản lý, đặc biệt là tại các điểm tiếp nhận nguồn xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Tăng cường giám sát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt của các hộ dân, kịp thời phát hiện vi phạm về xả thải vào công trình thủy lợi, thông báo và phối hợp với cấp có thẩm quyền để xử lý.
Lương Thụy Bình