SGK Cánh Diều đáp ứng nhu cầu học tập thời đại kỹ thuật số

Bên cạnh sách giáo khoa giấy thì hệ thống học liệu điện tử sách giáo khoa Cánh Diều cũng rất phong phú, đa dạng.

Theo lộ trình cuốn chiếu, đến năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng đồng bộ ở 12 lớp học. Thời điểm này, đội ngũ biên soạn SGK Cánh Diều đang tất bật giới thiệu những điểm mới của SGK các lớp 5, 9 và 12 đến với học sinh, giáo viên.

Sách giáo khoa Cánh Diều là bộ sách đầu tiên được xuất bản theo chủ trương xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, được hơn 270 nghìn giáo viên từ 28 nghìn trường học trên cả nước sử dụng trong dạy và học chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh sách giấy, đơn vị phát hành sách cũng công bố hệ sinh thái sách Cánh Diều bao gồm sách điện tử, học liệu điện tử đăng tải trên trang web. Hệ sinh thái được sử dụng miễn phí, được phát triển nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và học sinh truy cập.

Cụ thể, trang web đăng tải hơn 400 đầu SGK, sách giáo viên, sách bài tập; hơn 2 nghìn kế hoạch bài dạy để giáo viên tham khảo; ngân hàng câu hỏi với hơn 4 nghìn câu hỏi thiết kế theo chương trình học;…

Ngoài ra, đơn vị phát hành sách cũng số hóa hàng chục nghìn hình ảnh, hơn 4 nghìn tài liệu âm thanh và hơn 1 nghìn video minh họa cho các bài học của mình. Hệ sinh thái của bộ sách cũng thiết lập nhiều loại hình tương tác như: Kéo thả, nối, điền từ, tô màu, ô chữ, trắc nghiệm,… để giáo viên và học sinh có thể trực tiếp làm bài tập trên sách điện tử.

Đơn cử như SGK Tiếng Anh 5 - Explore Our World, ngoài sách giấy thì đơn vị xuất bản còn cung cấp cho giáo viên và học sinh kho học liệu cùng các công cụ học tập đa dạng gồm: sách học sinh điện tử, sách bài tập, học liệu điện tử, audio cho sách học sinh và bài tập, thẻ từ vựng, công cụ sắp xếp thông tin bằng đồ họa, kế hoạch bài giảng và bài giảng dạng trình chiếu cho từng tiết học, ngân hàng câu hỏi + đề thi…

Nhận xét về SGK Cánh Diều, ThS Đào Xuân Phương Trang - Chủ biên SGK tiếng Anh Cánh Diều lớp 5, nhấn mạnh, SGK Tiếng Anh Cánh Diều lớp 5 nói riêng cũng như Bộ sách Tiếng Anh Cánh Diều nói chung được thiết kế, biên soạn theo phương pháp lấy người học làm trung tâm, tăng cường các kỹ năng giao tiếp, giới thiệu các quy tắc ngữ pháp cơ bản thông qua tình huống, nhằm giúp các đối tượng học sinh có hứng thú trong học tập ngôn ngữ mới, dễ dàng ứng dụng tiếng Anh trong cuộc sống và phát triển bản thân thành công dân toàn cầu thế kỷ 21.

Đồng quan điểm, cô giáo Phạm Thị Duyên (giáo viên Trường Tiểu học Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cho hay: "“Chúng tôi lựa chọn bộ sách Cánh Diều bởi triết lý xuyên suốt bộ sách “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống" đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh nêu tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ sách đảm bảo tính chính xác, khoa học, thực tiễn. Cùng với đó, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đã tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng tính linh hoạt, sáng tạo. Các chủ đề bài học thiết kế theo hướng tăng cường và đa dạng các hoạt động.

Đặc biệt, tất cả các môn trong bộ Cánh Diều có tính “mở”. Điều này giúp cho giáo viên có thể linh động điều chỉnh cho phù hợp với nhiều đối tượng học sinh và phát huy sự sáng tạo của các em."

Cô Duyên cũng tâm sự, bộ sách Cánh Diều rất phù hợp nhiều đối tượng học sinh nơi cô đang giảng dạy. Nội dung trong sách được thiết kế rõ ràng, dễ dạy, dễ học, dễ kiểm tra, đánh giá, nguồn tài nguyên, học liệu phong phú, hỗ trợ dạy và học mọi lúc mọi nơi.

Với nội dung lý thuyết, hình ảnh và hệ thống bài tập phong phú, bám sát nội dung, kho học liệu điện tử sách Cánh Diều đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Nhờ đó, giáo viên tiết kiệm được thời gian trong quá trình tìm tài liệu để tham khảo, giải quyết nhanh chóng các vấn đề khó mà thầy cô gặp phải, giúp việc giảng dạy tốt hơn.

PGS.TS Nguyễn Dục Quang (tác giả SGK, sách giáo viên, vở thực hành môn Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ Cánh Diều) đánh giá cao vai trò của kho học liệu điện tử. Ông cho biết, hiện nay học liệu có nhiều dạng khác nhau như video, câu chuyện tình huống, tranh động và tranh tĩnh gắn với nội dung hoạt động trong SGK, clip ngắn… Khi sử dụng, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt cho phù hợp với học sinh và điều kiện tổ chức hoạt động.

Giáo viên dùng các học liệu điện tử để minh họa, cụ thể hóa các hành vi cho học sinh quan sát, nhằm tăng tính sinh động cho các tình huống mô phỏng, kích thích sự tham gia và trải nghiệm của học sinh. Từ đó hình thành ở học sinh những cảm xúc tích cực khi quan sát và đánh giá hành vi của những nhân vật được thể hiện trong các tranh động và tình huống.

Theo Đời sống
back to top