Theo bộ này, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 7 tháng đầu năm tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, kể từ khi Nghị định 153 có hiệu lực, xu hướng doanh nghiệp chọn lựa hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng cũng gia tăng tích cực.
Điều này là tín hiệu tốt cho thị trường trái phiếu, tạo sự minh bạch và an toàn hơn so với việc doanh nghiệp tập trung quá nhiều vào kênh phát hành riêng lẻ như trước.
Tuy nhiên, thực tế thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro, khi doanh nghiệp phát hành công bố thông tin chưa đầy đủ và số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia lớn.
Bên cạnh đó, xuất hiện một số trường hợp một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian chào mời và phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tới các nhà đầu tư cá nhân chưa đủ điều kiện là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trong khi đó, theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Do vậy, rủi ro của loại hình trái phiếu này cao hơn do phụ thuộc lớn vào kết quả kinh doanh và khả năng trả lãi, gốc của chủ thể phát hành.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, cơ quan quản lý đã và sẽ có thêm giải pháp để tăng chất lượng và tính an toàn cho thị trường. Hiện khung pháp lý cho việc cấp phép, giám sát, thanh tra, xử phạt đã cơ bản đầy đủ. Do đó, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Riêng với trái phiếu phát hành riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán cho biết thị trường đang tồn tại một số vấn đề cần phải tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm.
Hiện Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2020, trong đó sửa đổi, bổ sung hành vi trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ để mô tả phù hợp hơn với quy định tại Nghị định 155 và Nghị định 153 về hoạt động chào bán, phát hành riêng lẻ.