Sang nhà hàng xóm chơi, bé gái 7 tuổi bị chó cắn thấu xương cánh tay

Một bé gái 7 tuổi ở Thừa Thiên Huế bị chó cắn thấu xương cánh tay khi sang nhà hàng xóm chơi. Cần phòng tránh bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Ngày 6/5, BS CKI. Phan Thị Hồng Nhạn, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế cho biết, lại có một trường hợp bé gái bị chó dữ tấn công được xử lý cấp cứu.

Theo đó, vào lúc 15h30 ngày 4/5, phòng Tiêm chủng dịch vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế tiếp nhận một bé gái 7 tuổi có địa chỉ ở tổ 6 Khu vực 3, phường An Hòa, TP Huế bị chó cắn với nhiều vết thương sâu phức tạp ở vùng cánh tay.

Theo người nhà cho biết vào lúc 17h ngày 1/5/ bé đi qua chơi nhà hàng xóm, bé bị chó dữ của gia đình hàng xóm cắn sâu vào vùng cánh tay, rất may là bé đã tự giải cứu thoát ra khỏi chó dữ tấn công tiếp.

Sau đó bé được người dân băng cầm máu vết thương và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây,Trung tâm hồi sức cấp cứu đã xử lý cắt lọc vết thương đồng thời phục hồi sức khỏe cho bé sau khi bị mất máu do vết cắn.

Chó cắn thấu xương bé gái 7 tuổi - Ảnh CDC cung cấp

Chó cắn thấu xương bé gái 7 tuổi - Ảnh CDC cung cấp

Sau khi ổn định sức khỏe, cháu bé được gia đình đưa vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, được bác sĩ khám chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, vắc xin dại. Hiện tại sức khỏe cháu bé đã ổn định, đang theo dõi điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế và tiếp tục tiêm chủng các mũi vắc xin dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo phác đồ.

Các bác sĩ cảnh báo, bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, 96% các trường hợp gây bệnh dại ở người tại Việt Nam là do chó cắn. Đôi khi có thể bị nhiễm nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết xước hoặc vết trầy xước). Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người, tỷ lệ tử vong là 100%.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

5. Khi bị chó, mèo cắn cần:

- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).

- Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

Theo Đời sống
"Thầy giáo" mang quân hàm xanh gieo chữ nơi rẻo cao

"Thầy giáo" mang quân hàm xanh gieo chữ nơi rẻo cao

"Thầy giáo" mang quân hàm xanh Lò Văn Thoại là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.
back to top