Phun thuốc cô lập thủy ngân
Ngày 11/9, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) đã làm việc với Công ty cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp Urenco 10 (Công ty Urenco 10) và Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) để thống nhất phương án xử lý, tẩy độc trong và ngoài khu vực cháy. Theo đó, các đơn vị thống nhất trong tối 11/9, Cty Urenco 10 sẽ tiến hành thu dọn mặt bằng khu vực cháy để Viện Hóa học môi trường quân sự tiến hành công tác cô lập và xử lý hơi thủy ngân trong khu vực kho cháy trong ngày 12/9.
Urenco 10 là đơn vị tiến hành tháo dỡ bốc xúc chất thải tại hiện trường vụ cháy từ 7h30 ngày 12/9 ngay sau khi binh chủng hóa học phun thuốc để tránh tình trạng bốc hơi của thủy ngân. Phạm vi tiêu tẩy độc là bên trong và bên ngoài Công ty Rạng Đông. Sau khi mặt bằng vụ cháy được dọn thì Bộ Tư lệnh Hóa học sẽ sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại để tiến hành tẩy độc tại chỗ. Đây là đơn vị đảm nhận, hướng dẫn toàn bộ quá trình thu gom, xử lý chất thải sau vụ cháy để lại cũng như quá trình tẩy độc. Việc thu gom chất thải hoàn thành trước ngày 15/9.
Đánh giá về sự tham gia của Bộ Tư lệnh Hoá học, GS.TSKH Lưu Văn Bôi, nguyên Chủ nhiệm Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, cho rằng việc này là cần thiết. Bộ tư lệnh Hoá học đã có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các chất thải nguy hại, các hậu quả chiến tranh như dioxin, nên có cơ sở để tin kết quả phân tích các mẫu vật của đơn vị này là chính xác. Về công nghệ xử lý, vì chưa có thông tin đơn vị xử lý dùng công nghệ gì nên chưa thể đánh giá hiệu quả thế nào. Việc phun thuốc để cô lập thủy ngân, không cho bay hơi là cần thiết. Theo cách xử lý truyền thống đối với ô nhiễm thủy ngân thì người ta sử dụng bột lưu huỳnh phun lên chỗ thủy ngân bị phát tán ra môi trường để tạo thành H2S. Lúc này, thủy ngân sẽ không thể bay hơi, cũng không tan được trong nước mà nằm vón cục lại, chỉ cần thu dọn sạch là xong.
“Hoặc có cách khác là người ta sử dụng axit sunfuric hoặc axit nitric để phun vào nơi có thủy ngân, biến thủy ngân thành muối. Nhưng cách này cũng rất nguy hiểm cho môi trường vì khi phun axit vào sẽ tạo ra phản ứng, có thể bốc hơi, sủi bọt sùng sục, nguy hiểm cho những người xung quanh. Điều đáng nói là lượng thủy ngân hiện nay đã bốc hơi và chui vào trong đất rồi. Về nguyên lý, thủy ngân có thể bốc hơi ở nhiệt độ phòng, nên nếu còn tồn tại trong đất thì khi nắng lên, thủy ngân cũng sẽ dần dần hóa hơi. Việc xúc dọn, vận chuyển hết toàn bộ đất khu vực cháy đi có thể cô lập được thủy ngân đã phát tán ra môi trường, nhưng khó khả thi vì đây là lượng đất rất lớn”, GS.TSKH Lưu Văn Bôi cho biết.
Đa phần thủy ngân đã bốc hơi hết?
PGS.TS Trần Chương Huyến, nguyên giảng viên cao cấp khoa Hóa học, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, độ sôi của thủy ngân chỉ là 390 độ C, nhưng nhiệt độ đám cháy thời điểm đó khoảng 1.300 độ C. Chính vì vậy, lượng thủy ngân có thể đã cháy và bốc hơi, phát tán ra môi trường hết. "Khi cháy, lượng thủy ngân cháy rồi bốc hơi, phân tán theo gió đi khắp nơi. Sau đó, chúng tích tụ lại và rơi xuống ngấm vào đất, nước rải rác ở phạm vi rộng. Bây giờ, cơ quan chức năng cần làm bản đồ phân bố xem mật độ thủy ngân rơi xuống như thế nào" - PGS.TS Trần Chương Huyến cho biết.
PGS.TS Trần Chương Huyến cho biết thêm, ông đã nghiên cứu về thủy ngân 50 năm. Chính vì vậy, ông hiểu rất rõ về thủy ngân và cho biết, trong quá trình công tác ông đã từng gặp những sự cố 3-4kg thủy ngân lỏng rơi ra trong phòng thí nghiệm. Thủy ngân rơi xuống sẽ tích tụ vào đất, nước; trong đất, nước có quá trình biến đổi vi sinh vật nên nó sẽ biến thành các hợp chất thủy ngân, các hợp chất khác nhau. Nhưng quá trình phát tán thủy ngân này chỉ gây ra "độc trường diễn, chứ không phải độc cấp tính". Ở một số bãi khai thác vàng, có khi người ta đào được vài kg thủy ngân, có nơi người thợ đưa vào nấu cho thủy ngân bay hơi hết để lấy vàng. Thủy ngân là độc tố với cơ thể, nhưng người dân cũng không nên quá lo lắng bởi đến nay, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chắc chắn sẽ có cách để thu gom, tẩy sạch khu vực xảy ra cháy.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người dành cả cuộc đời làm khoa học để nghiên cứu về tẩy độc dioxin cho biết, công nghệ xử lý thủy ngân rất phức tạp. Phức tạp hơn nữa khi thủy ngân phát tán ra môi trường là một vụ cháy, cộng với rất nhiều loại chất khác nữa trong quá trình cháy gây ra nên việc xử lý chắc chắn mất rất nhiều thời gian. Ở góc độ nào đó, việc xử lý thủy ngân còn phức tạp hơn xử lý dioxin vì dioxin là hợp chất hữu cơ, còn thủy ngân là kim loại, tính bay hơi mạnh, đã phát tán vào trong đất, nước, không khí… “Không dễ chút nào để xử lý, nhưng tôi tin Bộ Tư lệnh Hóa học sẽ có cách làm đạt hiệu quả”, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chia sẻ.
Tô Hội
Trước đó, trong hai ngày 9 và 10/9, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu không khí xung quanh khu vực cháy (trong vòng 24 giờ) đối với 3 vị trí: Trường Tiểu học Hạ Đình; đối diện cổng chung cư Eco Green City (cách khu vực cháy khoảng 500m); trong khuôn viên Công ty Rạng Đông (trong bán kính 200m từ khu vực cháy). Kết quả phân tích so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh (QCVN 06:2009/BTNMT) cho thấy, các thông số NO2 (diôxit nitơ), SO2 (khí sunfurơ), CO (carbon monoxit) đều nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện thấy thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí.