Theo phê duyệt, phạm vi nghiên cứu quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính (phần đất liền và đảo) của huyện Tĩnh Gia với 33 xã và 1 thị trấn; tổng diện tích lập quy hoạch 45.561ha. Ranh giới có phía Bắc giáp huyện Quảng Xương; phía Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Tây giáp huyện Nông Cống và huyện Như Thanh; phía Đông giáp biển Đông.
Tính chất, chức năng là đô thị động lực gắn với sự phát triển của khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt; là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Miền Trung. Là đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đồng bộ và hiện đại hướng tới xây dựng trở thành thành phố theo mô hình đô thị thông minh – xanh – bền vững. Là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn. Có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh – quốc phòng.
Tổng dân số khu vực nghiên cứu (gồm cả dân số thường trú và dân số tạm trú quy đổi) khoảng 299.843 người. Dự báo đến năm 2035 tổng dân số khoảng 450.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 407.000 người, dân số nông thôn khoảng 43.000 người. Về chỉ tiêu sử dụng đất định hướng đến năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 5.573ha (đất dân dụng khoảng 3.499ha, đất ngoài dân dụng 2.074ha); đất khu chức năng ngoài đô thị khoảng 13.391ha (đất công nghiệp, kho tàng 7.362ha, đất cảng 741ha, đất khu du lịch biển, khu sinh thái 5.288ha); đất khác khoảng 26.597ha.
Dự kiến ranh giới hành chính nội thị, ngoại thị giai đoạn 2025 – 2035: Gắn với sự hình thành nút giao đường bộ cao tốc Bắc Nam tại Tân Trường, nhà ga đường sắt cao tốc tại Phú Lâm và định hướng phát triển của khu vực này, sẽ phấn đấu nâng cấp, mở rộng khu vực nội thị them 3 xã gồm: Phú Lâm, Tùng Lâm và Tân Trường thành các xã nội thị. Khu dân cư nông thôn ngoại thị chủ yếu các xã phía Tây đô thị.
Đô thị Tĩnh Gia sẽ định hướng phát triển với 6 trục cảnh quan chính bao gồm: Trục trung tâm phía Bắc; Trục hướng biển từ công viên chuyên đề; Trục chủ đạo (khu đô thị trung tâm); Trục Đông – Tây 2; Trục Quốc lộ 1A; Trục đường ven biển. Các công trình điểm nhấn đô thị bố trí tại các vị trí cửa ngõ phía Bắc (giáp cầu Ghép), cửa ngõ phía Nam (xã Trường Lâm)....