Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn: Không có "chùa BOT"

(khoahocdoisong.vn) - Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định hiện không có kinh doanh chùa và chưa phát hiện cán bộ công chức nào góp tiền xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh.

Trước đó, phần chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục "nóng" với các vấn đề về kinh doanh chùa, quản lý nguồn thu từ tiền công đức.

Chưa phát hiện quan chức góp tiền xây chùa

Bổ sung phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quy định pháp luật và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có chuyện kinh doanh chùa. Đến nay, Bộ Nội vụ chưa phát hiện trường hợp nào kinh doanh chùa để trục lợi. Bộ cũng chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, vừa qua có một số cá nhân lợi dụng cơ sở thờ tự, tôn giáo và niềm tin tôn giáo của nhân dân để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi, gây bức xúc trong dư luận.

Liên quan đến vi phạm của chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, sau khi vụ việc này xuất hiện, từ ngày 20 – 28/3, các cơ quan bộ ngành, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản xác minh và báo cáo Thủ tướng.

Hiện Bộ Nội vụ đang đề xuất Chính phủ ban hành các nghị định tăng cường quản lý các hoạt động cơ sở tôn giáo, tâm linh, trong đó có nghị định về xử phạt; tăng cường quản lý không để xảy ra các hiện tượng tôn giáo trái với thuần phong mỹ tục; tăng cường tuyên truyền người dân, cũng như giáo dục công tác quản lý nhà nước về vấn đề tôn giáo.

"Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng cho sư sãi vi phạm giáo luật"

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận xét, phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ sở tôn giáo chưa tốt. Cung cấp thêm thông tin về một số vụ việc xảy ra trong các nhà chùa thời gian qua, hòa thượng Nghiêm nói hiện tượng "chùa BOT", chùa chiền có sự tham gia góp vốn của cá nhân tổ chức để kinh doanh mà một số đại biểu nêu là hoàn toàn không có.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

"Là một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ Phật giáo trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin trân trọng báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước rằng tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý. Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này" - hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

“Tôi khẳng định không có bất kỳ chùa nào có sự góp vốn, đầu tư xây dựng từ những cá nhân, tập thể, công chức có mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu dưới một số từ rất mới, rất nặng đó là "chùa BOT"”.

 Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

"Dù là rất ít nhưng có những con sâu làm rầu nồi canh, những hiện tượng sai lệch của một số nhà chùa, có ứng xử chưa phù hợp với phật tử khi đến viếng lễ chùa đã được Giáo hội Phật giáo nhắc nhở, kỷ luật nghiêm minh theo các quy định hiến chương. Tôi xin khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất cứ một hành vi nào của nhà tu hành, đặc biệt là các giáo chức vi phạm đạo đức và giáo luật" - hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định.

Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận hiện nay công tác phối hợp, phòng chống hoạt động mê tín dị đoan của các bộ ngành và địa phương chưa hiệu quả. Ví dụ cụ thể là vụ việc ở chùa Ba Vàng, cả Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và chính quyền tỉnh phối hợp chưa tốt, chưa kịp thời phát hiện sớm.

"Phải tăng cường sự phối hợp để phân định rõ ràng trách nhiệm các ngành khi quản lý các hoạt động mê tín dị đoan", ông Thiện nói.

Phát biểu cuối cùng trong phiên chất vấn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, "những việc “lùm xùm” về tôn giáo vừa qua không chỉ do pháp luật mà còn liên quan tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức tôn giáo. Mê tín dị đoan là sự thiếu hiểu biết nên một việc vô cùng quan trọng là chú ý giáo dục, văn hóa nhằm nâng cao dân trí để người dân hiểu và có những hành vi đúng với tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc".

Thẳng thắn không né tránh

Cử tri Nguyễn Bá Bách, đại biểu HĐND phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội diễn ra trong 2,5 ngày (4 - 6/6) đã có nhiều đổi mới. Thời gian để đại biểu hỏi ngắn hơn, tập trung đi thẳng vào vấn đề là những bức xúc của người dân. Các bộ trưởng thì trả lời tập trung vào câu hỏi. Các vấn đề nóng như việc đội vốn, chậm trễ tại các dự án, công trình giao thông trọng điểm; tình trạng chậm triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT và những giải pháp hiệu quả để quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; việc kiểm toán các dự án BOT còn chưa được triển khai đồng bộ, quy hoạch chùa chiền, văn hóa bảo tồn di sản, ma túy, tội phạm, xây dựng cơ bản, đội vốn công trình... được đặt lên bàn nghị sự.

Ông Nguyễn Túc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đồng tình hoạt động chất vấn của Quốc hội rất dân chủ, cởi mở. Không né tránh các vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, chưa thực sự có những đổi mới, đột phá, quyết liệt để thực hiện triệt để giải quyết những tồn tại mà cử tri nêu. Hy vọng các vị trưởng ngành sẽ có những giải pháp cụ thể, thay vì hứa và giải thích.

Còn theo ông Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, các bộ trưởng trả lời khá thẳng thắn nhưng vẫn chưa thực sự đi tới cùng của vấn đề. Ví dụ như vụ sản xuất thuốc giả chữa ung thư, vì sao vụ án để lâu như thế mà chưa xử? Trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu, tại sao không giải trình, bao giờ mới xử lý? Vụ Trần Bắc Hà, bao nhiêu đối tượng phá hoại đất nước, phải nhanh chóng đưa ra mà xử lý chứ. Vì sao lại cấp hàng chục, hàng trăm ha cho các dự án tâm linh, rồi không kiểm soát được việc kinh doanh, sử dụng đất, bán đất trái với quy định? Vì sao không rút kinh nghiệm trong việc chọn nhà thầu Trung Quốc để tránh chậm tiến độ, đội vốn?   

Không nhận trách nhiệm suông

Các bộ trưởng trả lời khá thẳng thắn nhưng vẫn chưa thực sự đi tới cùng của vấn đề. Có hay không sự buông lỏng trong quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các cơ sở tâm linh? Trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào? Tới đây sẽ có biện pháp gì để tránh tái diễn tình trạng trục lợi tâm linh như ở chùa Ba Vàng? Hoạt động mê tín dị đoan núp bóng tâm linh, tín ngưỡng, là nguyên nhân dẫn đến sự ngần ngại của chính quyền, của các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống mê tín dị đoan. Những giải pháp cần triển khai để phòng, chống mê tín dị đoan, để xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, vì sự phát triển của xã hội? Bộ trưởng không thể chỉ nói suông, mà tới đây phải có biện pháp cụ thể.

Ông Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội)

Theo Đời sống
Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng quyền lực trong hai vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn gần đây cho thấy, đồng tiền, lòng tham đã làm lu mờ phẩm chất, sự liêm chính dẫn đến sa ngã trước những “viên đạn bọc đường”.
Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Ngày 24/4, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu với chủ đề “Hiến giọt máu đào -Trao đời sự sống”.
back to top