Đơn phản ánh của người dân xã Nghĩa Kỳ cũng yêu cầu chính quyền có kế hoạch đi dời sớm đối với các hộ dân này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc rà soát các nội dung phản ánh của các hộ dân nêu trên và tổ chức khắc phục ngay tình trạng xe vận chuyển để rơi vãi nước rĩ rác và có mùi hôi trong quá trình tiếp nhận, xử lý rác tại nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ theo đúng cam kết của công ty với tỉnh và nhân dân, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện trong quá trình vận chuyển, tiếp nhận và xử lý rác của các đơn vị. Nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Báo cáo cho UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 10/10/2020.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2018, người dân khu vực bãi rác Nghĩa Kỳ cũng đã bức xúc bởi ô nhiễm từ bãi rác gây ra nên chặn xe không cho vào bãi rác Nghĩa Kỳ. Sau nhiều cuộc đối thoại, đến ngày 12/9, người dân đã chấp nhận cho bãi rác Nghĩa Kỳ hoạt động trở lại, sau khi UBND tỉnh Quảng Ngãi cam kết sẽ khẩn trương thực hiện chính sách bồi thường, giải tỏa với các hộ dân xung quanh nhà máy rác.
Được biết, Nhà máy xử lý chất thải Nghĩa Kỳ ban đầu là bãi rác Nghĩa Kỳ, được hình thành từ năm 1996 với quy mô diện tích 5,5ha để chôn lấp rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thị xã Quảng Ngãi cũ. Từ năm 2008 - 2018, qua Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung - Tiểu dự án Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng bãi chôn lấp mới hợp vệ sinh trên quy mô diện tích 7,56ha, với đủ các hệ thống chôn lấp, thu gom, trạm bơm phục vụ chôn lấp rác thải sinh hoạt cho địa bàn TP Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.
Tại quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Khu xử lý rác thải rắn Nghĩa Kỳ được xác định là khu xử lý trọng điểm của tỉnh để ưu tiên nguồn lực đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để xử lý rác của địa phương.