Theo các chuyên gia, việc thu phí người bị cách ly để phòng dịch Covid-19 là hợp tình, hợp lý. Bởi cách ly không phải là chữa trị, mà vẫn duy trì cuộc sống bình thường. Thì dù sống ở đâu, tự mỗi người cũng phải đảm bảo điều kiện sống của chính mình. Đặc biệt, cuộc chiến chống Covid-19 đã vào hồi quyết định nên cần sự đồng lòng, chung tay, nghiêm túc, quyết liệt, không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết tại Việt Nam.
Cần phải thu phí với người cách ly
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan toàn cầu, những ngày qua có rất đông người Việt Nam học tập, lao động, sinh sống tại nước ngoài về nước, được cách ly, điều trị miễn phí. Một vấn đề đặt ra là có nên thu phí cách ly. Ông Nguyễn Túc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, không chỉ riêng ông mà rất nhiều người đều đồng tình rằng bắt buộc phải thu phí đối với người cách ly. Đất nước mình còn nhiều khó khăn, ngân sách thì eo hẹp, trong khi rất nhiều công việc khác cần đến đầu tư. Thu phí người cách ly để đảm bảo công bằng xã hội. Vừa qua, Việt Nam chống dịch rất tốt, công tác chăm sóc người bệnh, điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 cũng như việc cách ly được thực hiện nghiêm ngặt, hệ thống y tế đảm bảo quyền lợi cho người bệnh nên nhiều người Việt Nam sống ở nước ngoài đã trở về nước. Số lượng người nhập cảnh rất đông, đồng nghĩa họ đều phải cách ly. .
"Nhân đạo nên được dành cho những người thực sự khó khăn cần giúp đỡ. Còn những người có tiền đi du học, lao động, làm việc ở nước ngoài, nhìn chung không phải là những người khó khăn, thậm chí họ còn có điều kiện sống tốt. Do đó, nhân đạo phải dựa trên thực tế để người ta không lợi dụng. Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người kinh doanh rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí nợ nần, phá sản… Ngân sách nên để dành để giải quyết các vấn đề đó thì hơn”, ông Nguyễn Túc chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Vệt Nam, việc Việt Nam điều trị miễn phí cho những người mắc bệnh đã là một chính sách vô cùng nhân văn. Còn đối với những người cách ly, họ không phải điều trị gì, mà vẫn sống cuộc sống bình thường, chỉ có điều phải hạn chế đi lại. Do đó, rất cần thiết phải thu phí cách ly với những người này. Có thể họ không phải chi trả tiền chỗ ở, nhưng ăn uống, sinh hoạt và các chi phí khác thì họ phải chịu là điều rất bình thường.
TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, với cơ chế cách ly hiện nay, Nhà nước bao cấp gần như toàn bộ. Khi người Việt Nam ở nước ngoài về nhiều sẽ gây áp lực lớn đối với ngân sách. Hệ quả tác động bởi Covid-19 làm cho kinh tế trên thế giới cũng như Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn. Thu ngân sách của năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng nặng, trong khi đó nhu cầu chi nói chung, đặc biệt chi để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lại gia tăng.
Đóng cửa các dịch vụ, hạn chế tụ tập đông người
Chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thời gian 2 tuần tới có ý nghĩa quyết định nên Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành, hệ thống chính trị có nhiều cố gắng, "đã quyết liệt rồi, chặt chẽ rồi thì càng quyết liệt, chặt chẽ hơn, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân", phải thành công chứ không thất bại, không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết tại Việt Nam.
Về các biện pháp cấp bách, tạm thời trong lúc dịch sang giai đoạn mới, Thủ tướng nêu rõ, sự đồng lòng, chung tay vào cuộc, sự nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống, đặc biệt là sự phối hợp trong nhân dân, trong từng đường phố, từng chung cư, từng ngôi nhà và người dân rất quan trọng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người. Đề nghị các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người và yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở vấn đề này.
Nên có các biện pháp mạnh tay
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, người trong khu cách ly về bản chất vẫn duy trì cuộc sống bình thường, nên chăng thêm dịch vụ cung cấp một số loại thực phẩm theo yêu cầu và họ phải trả tiền. Hoặc có các suất ăn theo nhu cầu của từng người, để tạo cảm giác đó cũng là một cộng đồng sinh hoạt bình thường chứ không phải khu cách ly mang tính chất “giam hãm”. Việc này cũng nhằm tránh tình trạng nhiều cán bộ chiến sĩ khu cách ly quá sức vì lượng hàng tiếp tế của người thân vào cho người trong khu cách ly quá lớn. Thậm chí có người còn gửi cả tủ lạnh, bia, rượu, đồ ăn các loại vào… khiến tình trạng nhốn nháo xảy ra, gia tăng áp lực cho cán bộ khu cách ly.
Nên chấm dứt tình trạng tiếp tế trong khu cách ly tránh gây quá tải. Với những người về nước phải đóng phí cách ly và được đảm bảo cuộc sống bình thường. Cùng với chính sách nhân văn, nhân đạo, nhà nước nên có các biện pháp mạnh tay hơn nữa để phòng dịch Covid-19.
Đối với các khu dân cư bị cách ly bắt buộc, thì có thể linh động việc tiếp tế lương thực miễn phí. Theo ông Nguyễn Túc, với trường hợp cách ly một khu dân cư, khu xóm, chung cư… thì có thể kêu gọi người dân cùng chung tay. Gia đình nào có điều kiện, hãy chung tay với Nhà nước bằng cách tự chi trả tiền ăn uống, sinh hoạt. Người có lòng tự trọng, người hiểu biết... sẽ không bao giờ lợi dụng dịch bệnh để gia tăng gánh nặng cho ngân sách. Ở nhiều nơi có những người không giàu, nhưng họ sẵn sàng đóng góp tiền của, sức người để chống dịch.
Tuy nhiên, theo TS Bùi Đức Thụ, phần đông người nghi nhiễm Covid-19 tham gia đóng bảo hiểm y tế, những trường hợp đó bảo hiểm chi trả, ngân sách nhà nước không phải hỗ trợ. Còn lại những người không có bảo hiểm, như nông dân, phần đông là những người khó khăn. Nếu thu phí ăn, ở trong thời gian cách ly với đối tượng này thì không phù hợp.
Để ngăn chặn có hiệu quả, đồng thời thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của chúng ta, trong điều kiện có thể được Nhà nước nên bao cấp gần như toàn bộ, như những gì chúng ta đang làm hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh ngân sách là trụ cột, chúng ta nên vận động việc quyên góp tự nguyện từ các tổ chức cá nhân ở cả trong nước và ngoài nước.