Phạt sạt nghiệp lái xe có rượu bia

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực. Với việc tăng nặng mức phạt cũng như kéo dài thời gian tước bằng lái nếu tài xế có men trong hơi thở. Mức phạt này được kỳ vọng giúp người điều khiển phương tiện giao thông "dễ chọn" hơn giữa lái xe và uống rượu.

Nhiều điểm mới

Về quy định “đã uống rượu bia thì không được lái xe”, ban đầu gặp khá nhiều khó khăn. Khi lấy kiến đại biểu Quốc hội không đạt tỷ lệ “quá bán”. Tuy vậy, đến ngày 14/6, Quốc hội đã biểu phiếu tán thành với tỷ lệ rất cao đối với việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Luật chính thức được thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương 36 điều. Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm gồm: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…

Bên cạnh đó, Luật nêu rõ những nơi không được uống rượu, bia, gồm 7 địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đển chất lượng lao động…

Đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc giữ vững quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, Luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm nhất quán quan điểm quản lý toàn diện đối với rượu, bia; khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với rượu, bia.

Cũng tại Điều 32 trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia, khoản 6 có quy định: “Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia”.

Tuy nhiên, việc này có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ; từ 5,5 đến dưới 15 độ) và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia.

Điều đáng chú ý trong luật là Quốc hội bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có chứa nồng độ cồn. Đây là quy định cần thiết, thể hiện thái độ quyết tâm, ngăn chặn những vụ tại nạn giao thông do tác hại của rượu bia gây ra.

Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép (nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở).

Nhưng với việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thì chỉ còn một tuần nữa, người uống rượu, bia không được điều khiển phương tiện giao thông.

Cảnh sát giao thông kiểm tra thổi nồng độ cồn

Cảnh sát giao thông kiểm tra thổi nồng độ cồn

Mức phạt khiến "ma men" phải sợ

Văn hóa rượu bia đang ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người Việt. Từ chuyện vui, buồn, đến hiếu hỉ, nhiều người đều sử dụng rượu bia. Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia nghiêm cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe ô tô, xe máy, xe mô tô, xe máy điện.

Đây được coi là quyết định sáng suốt và hợp lý, giúp ngăn chặn những vụ tai nạn nghiêm trọng do người lái xe sử dụng rượu bia gây ra. Thậm chí, Bộ GTVT còn đề xuất xử phạt với tài xế xe máy uống rượu bia bất kể số lượng, thay vì uống tới ngưỡng tương đương 1 chai bia mới bị phạt như quy định hiện hành.

Theo quy định hiện hành, với tài xế xe máy, chỉ bị phạt hành chính khi trong hơi thở có nồng độ cồn từ 0,25 mg/1 lít khí thở. Nhưng, với Luật Phòng chống tác hại rượu bia sắp có hiệu lực, cấm tài xế sử dụng rượu bia.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất: Tài xế mô tô, xe máy bị phạt từ 2-3 triệu đồng nếu lái xe khi trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu. Đồng thời tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.

Nếu trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng; rút giấy phép lái xe 16 - 18 tháng.

Nếu trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng, rút giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

Với tài xế ô tô, Bộ GTVT chia thành các mức phạt khác nhau, và tăng mức phạt tối đa lên gấp đôi so với quy định hiện hành.

Cụ thể, nếu tài xế ô tô trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng.

Nếu mức vi phạm nồng độ cồn từ 50 - 80 mg/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, rút giấy phép lái xe 16-18 tháng.

Nếu tài xế ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tối đa từ 30-40 triệu đồng, rút giấy phép lái xe 22-24 tháng. Mức phạt này cũng áp dụng với tài xế chống đối, không chấp hành đo nồng độ cồn, ma túy, tài xế bị phát hiện sử dụng ma túy.

Với mức phạt rất cao này, chắc chắn nhiều người sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu "nhòm ngó" tới bia rượu khi điều khiển phương tiện.  

Theo Đời sống
back to top