Đầu tiên, làm việc trên máy tính và điện thoại cả ngày sẽ làm căng cơ tay, khô mắt, gây đau cổ và cũng có thể dẫn đến tăng cân.
Ngoài ra, sử dụng công nghệ liên tục không nghỉ cũng có thể có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn, dẫn đến tâm trạng thất thường và dễ cáu gắt.
Ngoài những tác hại này, tiếp xúc cả ngày với ánh sáng xanh có thể gây hại cho làn da mỏng manh của bạn. Nó có thể khiến bạn trông già, mệt mỏi hơn, theo Timesofindia.
Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem sự phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số có thể gây hại cho làn da của bạn như thế nào và bạn có thể làm gì để giảm thiểu thiệt hại.
Tác hại của ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính
Thủ phạm không thể chối cãi dẫn đến tổn thương tế bào da của bạn - chính là ánh sáng xanh do các thiết bị điện tử phát ra. Đây là ánh sáng có tần số cao hơn, bước sóng ngắn hơn trong dải màu xanh tím trong quang phổ khả kiến.
Ánh sáng xanh cũng có trong ánh nắng mặt trời, ánh sáng phát ra từ đèn tuýp, đèn LED và kể cả màn hình TV, điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính.
Tuy nhiên, nguy cơ tổn thương tế bào da do sử dụng thường xuyên máy tính và điện thoại là cao hơn vì chúng ở gần mặt bạn hơn so với những nguồn ánh sáng xanh khác.
Trước đây, mọi người lo ngại về tia cực tím vì nó có thể gây ung thư da. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã tiết lộ rằng ánh sáng xanh có tông màu lạnh có thể gây hại cho da không kém tia cực tím, theo Timesofindia.
Ánh sáng xanh có thể gây hại cho da không kém tia cực tím SHUTTERSTOCK |
Ánh sáng xanh gây hại gì đến làn da của bạn?
Trước đây, chúng ta đã biết ánh sáng xanh chỉ có thể gây mất ngủ và ảnh hưởng đến thị lực. Gần đây, các nhà khoa học mới phát hiện ra ánh sáng xanh còn gây hại cho làn da.
Cũng như tia cực tím từ ánh nắng mặt trời làm tổn thương trực tiếp ADN của tế bào, ánh sáng xanh phá hủy collagen bằng cách gây ra căng thẳng ô xy hóa.
Khi các hóa chất trong da hấp thụ ánh sáng xanh, sẽ xảy ra phản ứng dẫn đến việc sản sinh ra các phân tử ô xy không ổn định - gây hại cho da.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng ánh sáng xanh cũng có thể dẫn đến tăng sắc tố gây nám, tàn nhang. Vấn đề này thường xảy ra ở những người có làn da trung bình đến sẫm màu, còn những người có làn da trắng ít bị ảnh hưởng hơn.